Phát triển năng lượng bền vững

04:04, 30/04/2023

Cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng (NL) theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên NL là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh NL quốc gia. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về các giải pháp áp dụng NL bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh thích ứng biến đổi khí hậu.

 

 Tại nhiều vùng nông thôn Vĩnh Long đã được lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời.
Tại nhiều vùng nông thôn Vĩnh Long đã được lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời.

Cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng (NL) theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên NL là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh NL quốc gia. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về các giải pháp áp dụng NL bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh thích ứng biến đổi khí hậu.

Nguồn NL tái tạo dồi dào

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Công- Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Cần Thơ, NL bền vững là loại NL được tiêu thụ với tỷ lệ không đáng kể so với nguồn cung của nó và những ảnh hưởng phụ có thể quản lý được, đặc biệt là những ảnh hưởng về môi trường. Công nghệ đẩy mạnh ngành NL bền vững bao gồm các nguồn NL tái tạo như: thủy điện, NL mặt trời, NL gió, NL sóng, NL địa nhiệt, NL sinh học, NL thủy triều và cả những công nghệ được thiết kế để cải thiện hiệu quả của NL.

Khu vực nông thôn nước ta có những mỏ NL tái tạo như: NL sinh học, thủy điện, NL mặt trời, gió hay địa nhiệt… Tiềm năng về NL biogas là xấp xỉ 10 tỷ m3 mỗi năm thông qua các hoạt động nông nghiệp.

Kỹ thuật của cả nhà máy thủy điện nhỏ chỉ thu được khoảng 30MW, thấp hơn nhiều so với tiềm năng thủy điện hiện có 4.000MW. NL mặt trời dồi dào với bức xạ mặt trời trung bình 5 kWh/m2 mỗi ngày trong cả nước. Địa lý của Việt Nam với khoảng 3.400km đường bờ biển cũng cung cấp NL gió dồi dào với ước tính khoảng 500-1.000 kWh/m2 mỗi năm.

Giá trị của nguồn tài nguyên này có thể được tăng cường bằng cách đầu tư cho kết cấu hạ tầng thích hợp tương ứng với nhu cầu của cộng đồng.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Công cho biết, một số trở ngại trong phát triển NL tái tạo ở Việt Nam là chi phí đầu tư và sản xuất cao dẫn đến giá thành NL tái tạo cao.

Chi phí sản xuất điện từ NL tái tạo ở Việt Nam vẫn còn cao do công nghệ sản xuất chưa theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ trên thế giới. Hầu hết máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án về NL tái tạo đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, chi phí vận chuyển chiếm từ 10-15% giá trị làm cho giá thành đầu tư cao.

Cơ chế giá đối với NL tái tạo vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển NL tái tạo chưa phát triển, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư phải bỏ số vốn lớn để tự đầu tư kết cấu hạ tầng ban đầu (đường giao thông, đường tải điện, đường nước…).

Bên cạnh đó, vẫn còn những nhận thức sai về NL tái tạo như NL tái tạo không ổn định, thường làm gián đoạn quá trình cung cấp điện và không thể cung cấp điện liên tục 24 giờ một ngày; NL tái tạo đắt đỏ, chỉ phù hợp với những quốc gia phát triển; phát triển NL tái tạo dẫn tới sự phụ thuộc công nghệ nước ngoài...

Tích cực tuyên truyền sử dụng NL xanh

TS Nguyễn Bách Khoa- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long, cho biết: “Tất cả chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều thể hiện quan điểm hướng tới phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Một trong những nội dung quan trọng là làm sao nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng NL xanh. Khi nhận thức mỗi người được nâng cao, sau đó sẽ góp phần tuyên truyền đến nhiều người khác sử dụng NL bền vững, giữ môi trường xanh hơn”.

Nhằm phục vụ tốt việc thực hành, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên, các trường ĐH tại Vĩnh Long cũng đã đầu tư hệ thống điện NL mặt trời. Năm 2019, nhà máy điện NL mặt trời tại Trường ĐH Cửu Long khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhà máy có công suất 980KW, vốn đầu tư 1,5 triệu USD, đây là nhà máy điện NL mặt trời đầu tiên và có công suất lớn nhất trong các trường ĐH ở Việt Nam.

PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết nguồn điện từ NL mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng điện lưới, chi phí bảo trì thấp, thân thiện với môi trường.

Hệ thống điện NL mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao là mô hình trình diễn về đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường, phục vụ đào tạo sinh viên ngành điện, điện tử, ngành nông nghiệp nghiên cứu và thực hành, thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện cho sinh viên học tập, nghiên cứu gắn liền với thực hành, ứng dụng, lý thuyết gắn liền với thực tiễn.

Mô hình ủ phân hữu cơ cũng có thể dễ dàng áp dụng ở vùng nông thôn.
Mô hình ủ phân hữu cơ cũng có thể dễ dàng áp dụng ở vùng nông thôn.

Trong khuôn khổ hoạt động “Thúc đẩy phát triển NL bền vững thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” vừa được tổ chức tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Trung Tín- Công ty CP Sáng tạo Xanh Việt Nam cũng giới thiệu nhiều mô hình NL bền vững ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như: bình xịt bằng NL mặt trời, mô hình sấy NL mặt trời, mô hình ủ phân hữu cơ, các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện NL mặt trời… Bên cạnh đó, hướng dẫn quản lý và tái chế tấm quang năng sau khi sử dụng.

Một nghiên cứu về hơn 190 quốc gia cho thấy Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt NL trong vòng một thập kỷ tới. Vì vậy, việc sử dụng NL hiệu quả, thân thiện với môi trường để đảm bảo an ninh NL là vô cùng quan trọng.

Đứng trước nhiều thách thức, vẫn cần nhất việc xây dựng ý thức từ mỗi người tiết kiệm và sử dụng hiệu quả NL xanh góp phần giảm thiểu các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh