Nông dân ngồi nhà... bấm nút

10:04, 03/04/2023

Thu hoạch, tưới tiêu, bón phân, theo dõi mùa vụ… đang được nhiều nông dân số hóa, hiện đại hóa nên ruộng rẫy đang dần thưa dấu chân người. Thế hệ nông dân ngồi... bấm nút là chính đang dần hình thành ngày càng rõ rệt.

 

 

Thu hoạch, tưới tiêu, bón phân, theo dõi mùa vụ… đang được nhiều nông dân số hóa, hiện đại hóa nên ruộng rẫy đang dần thưa dấu chân người. Thế hệ nông dân ngồi... bấm nút là chính đang dần hình thành ngày càng rõ rệt.

 

Máy cảm biến diệt sâu rầy trên cánh đồng huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí trồng lúa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Máy cảm biến diệt sâu rầy trên cánh đồng huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí trồng lúa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cách đây hơn một năm, ông Nguyễn Văn Nhuận (ngụ ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cũng lao động vất vả như bao nông dân khác. Nhưng hiện ông khá nổi tiếng với biệt danh "nông dân siêu nhàn nhã".

Nhàn hơn nhờ tưới thông minh

Lúc trước phải mất nửa ngày trời để tưới hơn 9.000m2 sầu riêng thì nay ông chỉ mất chừng 20 phút ngồi "rung đùi" và bấm nút trên điện thoại.

"Bởi tôi đang áp dụng hệ thống tưới, phun thuốc, bón phân tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh. Công việc được thực hiện bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu mà không cần phải ra đến tận vườn", ông Nhuận vui vẻ nói.

Ông Nhuận cũng cho hay nhờ chủ động trong tưới tiêu, lấy nguồn nước, giờ giấc chăm sóc điều độ nên chất lượng trái rất đạt. Thương lái đến tận vườn thu mua, thời điểm giá thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg, giá này vẫn đảm bảo thu về lợi nhuận khá.

Không chỉ Cần Thơ, ứng dụng số hóa này cũng đang ngày càng được nhân rộng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện trên toàn tỉnh có khoảng 14 mô hình ứng dụng công nghệ điều khiển tưới phun trên cây ăn trái qua phần mềm trên điện thoại thông minh.

Việc dùng ứng dụng giúp chi phí sản xuất giảm do giảm điện năng tiêu thụ, giảm nhân công; hạn chế rủi ro cho máy bơm, tăng tuổi thọ và hiệu quả sử dụng máy bơm; tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển, ức chế các sinh vật gây hại; tiết kiệm 30% nước so với phương pháp tưới cũ.

Ông Nguyễn Phú Hiệp (ngụ Xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) lắp đặt hệ thống tưới thông minh cho vườn xoài 5.000m2 vào năm 2022, một phần kinh phí được tài trợ, còn lại gia đình đối ứng.

Trước đây, ông phải dùng đường dây ống có đường kính 42mm tận tay kéo đến từng gốc xoài tưới nước theo cảm tính, đôi khi nước đọng nhiều dưới gốc, thì hiện nay đã khắc phục được tình trạng đó, chủ động điều tiết nước phù hợp cho cây xoài liên tục có độ ẩm trong đất.

"Hệ thống tưới thông minh điều khiển bằng app trên điện thoại di động, cài đặt một lần và tôi dùng tốt đến bây giờ.

Tôi tưới vườn xoài 20 phút mỗi ngày vào thời gian cố định lúc 15h. Đối với tôi, tưới công nghệ cao giúp tiết kiệm thời gian, phù hợp sức khỏe hiện tại vì thời tiết nắng nóng mà phải kéo dây đi hết vườn xoài thì khó khăn vô cùng", ông Hiệp nói.

Số hóa thông tin nuôi thủy sản

Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp theo dõi mật độ sâu rầy trên đồng qua ứng dụng di động
Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp theo dõi mật độ sâu rầy trên đồng qua ứng dụng di động

Ông Nguyễn Trung Tín (hộ nuôi cá tra tại TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trên phần mềm máy tính, điện thoại giúp ông quản lý được cơ sở nuôi cá tra hiệu quả.

"Hiện chúng tôi bước đầu số hóa dữ liệu cơ bản như thu, chi, nhập cá giống, sản lượng, quản lý kho thức ăn chăn nuôi... Số hóa giúp thuận tiện hơn, khi cần nội dung gì có thể mở lên ngay. Chúng tôi còn thành lập nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, cập nhật giá cả thị trường", ông Tín nói.

Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết ngành nông nghiệp tỉnh cập nhật liên tục thông tin quan trắc môi trường, biến động thời tiết, chất lượng nước, thông tin của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2... lên web của Sở NN&PTNT, người dân nào cần sẽ chủ động truy cập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vỹ - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang) - cho hay hiện nay Nam Việt đang đầu tư nuôi cá tra công nghệ cao với tổng diện tích trên 600ha tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú. Toàn khu vực này đã sử dụng công nghệ tự động hóa, từ việc vận chuyển thức ăn đến việc cho cá ăn.

"Hệ thống tự động hóa được khâu cân thức ăn, có thể cài hệ thống xem nước lúc nào tốt để cho cá ăn và con cá ăn bao nhiêu thông qua hệ thống smartphone. Nhờ đó, con người chỉ tham gia rất ít trong công nghệ tự động này" - ông Vỹ vui vẻ nói.

Theo ông Vỹ, vùng nuôi Bình Phú có 10 si lô chứa thức ăn cá tra, phục vụ cho 30ha cá tra được nuôi theo công nghệ tự động. Các si lô này sẽ hút thức ăn lên để chứa.

Khi nào cho cá ăn thì lượng thức ăn sẽ chuyền vào các đường ống chứa thức ăn được lắp đặt trong ao nuôi cá.

Hệ thống điều khiển tự động được nhập từ Pháp về, còn phần mềm tự động được liên kết với Trường đại học Nha Trang thực hiện. Ước tổng kinh phí đầu tư hệ thống điều khiển tự động cho cá ăn trên 10 tỉ đồng.

"Hệ thống cũng biết được ao cá này cần lượng thức ăn bao nhiêu là phù hợp. Sau đó, chúng tôi chỉ cần bấm nút trên điện thoại là cho cá ăn luôn.

Áp dụng công nghệ này thì mình có thể biết được chi phí thức ăn, nguồn nước và tiết kiệm rất nhiều. Sắp tới, chúng tôi đang liên kết Trường đại học Cần Thơ để áp dụng thêm công nghệ số vào quản lý nữa" - ông Vỹ nói thêm.

Công nghệ giúp thay đổi chất lượng

Ông Nguyễn Văn Trinh - kỹ sư tại Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông - cho biết đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu ánh sáng chuyên dụng trong cây trồng.

Hiện nhiều nông dân đã chủ động áp dụng công nghệ Rạng Đông Smart Farm nhằm giúp giảm nhân công, tăng hiệu quả kiểm soát cả nhiệt độ, độ ẩm, tưới tiêu và dinh dưỡng cho cây dưa lưới.

Loài cây ưa nhiệt và ưa ánh sáng này nếu ở ngoài Bắc trồng chỉ được hai vụ/năm. Nhưng nếu đưa thêm ánh sáng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm thì có thể trồng thêm được hai vụ nữa.

"Chúng tôi chiếu sáng vào thời điểm cây dưa lưới tạo lưới. Đây là thời điểm tạo ngọt, bổ sung cả ngày và đêm đúng cách có thể nâng độ ngọt lên 15 - 30%, trọng lượng tăng từ 15 - 40%" - đại diện một đơn vị ứng dụng công nghệ nói.

Nhiều địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) Mai Quang Vinh cho biết VDECA đang tham gia cung cấp công nghệ số eGap và eGap.vn tham gia quản lý, giám sát các vùng trồng nguyên liệu trong nông nghiệp.

Theo ông Vinh, ứng dụng này đã được Bộ NN&PTNT ra công văn ủng hộ, hiện đã có trên 15 tỉnh thành với 183 HTX ứng dụng.

Cụ thể, năm 2017 - 2021, VDECA cùng Sở NN&PTNT Hà Nội vận hành trạm thời tiết thông minh iMetos Chương Mỹ, cụm camera giám sát đồng ruộng, nhật ký điện tử, máy in tem QR code có phần mềm quản lý tem; quản lý, giám sát chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ; cấp tem QR code có xác nhận của cơ quan quản lý và bên thứ ba cho 20ha lúa hữu cơ và 25ha chuyển đổi hữu cơ. Kết quả đã tăng được giá bán rau củ quả lên 1,5 lần, lúa gạo hữu cơ tăng 2 lần…

Hỗ trợ nông dân tưới thông minh

Ông Lê Hoàng Vũ - giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết để đầu tư hệ thống tưới thông minh cần chi phí khoảng 16,5 triệu đồng cho bộ thiết bị điều khiển và hệ thống đồng bộ vận hành trên app từ 60 - 80 triệu đồng/ha.

"Đến thời điểm này trên toàn tỉnh chúng tôi đã thực hiện lắp đặt hệ thống tưới thông minh cho chín nhà vườn từ nguồn vốn được hỗ trợ, nông dân đối ứng 50 - 70% chi phí tùy theo chương trình; có năm nhà vườn tự đầu tư chi phí lắp đặt dùng trên vườn cam, nhãn, quýt, vườn rau.

Hằng năm chúng tôi sẽ rà soát nhu cầu do nông dân đăng ký rồi xin đề xuất hỗ trợ cho năm tiếp theo", ông Vũ nói.

Theo C.HẠNH - Đ.TUYẾT - C.TUỆ/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh