Nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền

06:07, 10/07/2022

Những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ tốt cho công tác quản lý, đơn giản hóa, giảm bớt thời gian thực hiện TTHC.

 

Thư viện điện tử khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác.
Thư viện điện tử khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác.

(VLO) Những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ tốt cho công tác quản lý, đơn giản hóa, giảm bớt thời gian thực hiện TTHC.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển thông tin cơ sở của tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ trọng tâm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền.

Cải cách thủ tục hành chính: Nhiệm vụ trọng tâm

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC luôn được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ cùng cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy, hành chính công, hiện đại hóa hành chính.

Giai đoạn 2015- 2022, Sở KHCN đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 18 quyết định công bố mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

Giai đoạn 2022- 2025, để thúc đẩy công tác cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong giải quyết TTHC, góp phần nâng chỉ số cải cách hành chính, bà Trần Thị Minh Hiền- Phó Chánh thanh tra Sở KHCN cho biết, sở tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến.

Hàng năm chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật trung ương có quy định TTHC và TTHC hiện hành, kịp thời trình công bố TTHC đúng thời gian quy định; thường xuyên rà soát, trình công bố danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công, trong đó tập trung bổ sung các TTHC có phát sinh hồ sơ để tăng tỷ lệ hồ sơ TTHC thực hiện trực tuyến.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phấn đấu đạt 100% tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC theo hình thức trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025.

Thường xuyên chỉ đạo công tác rà soát các TTHC trên phần mềm một cửa điện tử, cổng dịch vụ công tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia để kịp thời phối hợp các cơ quan có liên quan cập nhật kịp thời những thay đổi của TTHC, quy trình nội bộ, đảm bảo việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng được thuận lợi và đúng quy định.

Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

Thư viện điện tử KHCN tỉnh Vĩnh Long ra mắt lần đầu tiên năm 2006, đến nay đã phát triển nguồn tin phong phú, đa dạng với gần 1.000 đầu sách, báo, tạp chí; 59.867 tài liệu số hóa; 8.000 sách số hóa; 9.834 kết quả nghiên cứu KHCN...

Nguồn tin KHCN số hóa cũng được chuyển giao cho trên 120 xã, trong đó có các xã nông thôn mới... Đã phục vụ trên 1.146.997 lượt bạn đọc trực tuyến. Riêng năm 2021 trên 245.230 lượt, chiếm tỷ lệ 21,38% tổng số lượt bạn đọc.

Theo Sở KHCN, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận và giải quyết giai đoạn 2015- 2021 là 335 TTHC và không có TTHC giải quyết trễ hạn. 100% TTHC được xây dựng quy trình nội bộ và thiết lập quy trình điện tử trong giải quyết TTHC. 100% TTHC sau khi công bố đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả; Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của sở phục vụ các tổ chức, cá nhân truy cập thuận lợi.

Trước yêu cầu của công nghệ số, đòi hỏi ngành thư viện nói chung và thư viện KHCN Vĩnh Long nói riêng phải xác định những bước đi phù hợp trước những cơ hội mới.

Theo Sở KHCN, năm 2021, các huyện có tổng cộng 112 điểm mô hình cung cấp thông tin KHCN với tổng số lượt truy cập trung bình là 16.552 lượt/năm.

Trong đó, nổi bật như UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình) triển khai thực hiện mô hình cung cấp thông tin tiến bộ KHCN cho Thư viện Tứ Hưng.

Từ tháng 10- 12/2021, đã có khoảng 300 lượt người đến khai thác thông tin về kỹ thuật chăn nuôi và trồng lúa. Ngoài ra, thư viện còn tạo điều kiện cho 3 học sinh khó khăn đến học online.

Tổng kết hoạt động KHCN cấp huyện, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Giám đốc Sở KHCN đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2022 đạt hiệu quả hơn với những nội dung trọng tâm, trong đó, công tác thông tin trực tiếp và trực tuyến đối với thiết bị máy tính cần khắc phục sửa chữa kịp thời, các điểm mô hình cung cấp thông tin cần phát huy hiệu quả như mô hình tại Thư viện Tứ Hưng (Tam Bình).

Chuyển đổi số được chú trọng nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, số hóa nguồn thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về triển khai chiến lược phát triển thông tin cơ sở đến năm 2025. Một trong ba nhóm mục tiêu cụ thể là thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở, phấn đấu đến năm 2025 đạt: 100% thông tin thiết yếu phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn trung ương và hệ thống thông tin nguồn của tỉnh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở. 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận trên ứng dụng thiết bị di động thông minh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh. 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông. Đồng thời, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt Nam sang tiếng các dân tộc thiểu số…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh