Theo một nghiên cứu, Hàn Quốc và Nhật Bản- "quê hương" của những tên tuổi kỹ thuật lớn nhất- chiếm 376 tỷ USD trong tổng số FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam từ 2015- 2020.
Theo một nghiên cứu, Hàn Quốc và Nhật Bản- “quê hương” của những tên tuổi kỹ thuật lớn nhất- chiếm 376 tỷ USD trong tổng số FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam từ 2015- 2020.
Sản xuất linh kiện điện tử.Ảnh: TTXVN |
Theo trang TRTWorld của Đài Truyền hình Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau động thái chuyển hoạt động sản xuất của Apple sang các công ty tại quốc gia Đông Nam Á này.
TRTWorld khẳng định điều này cho thấy Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất ưa thích của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
“Gã khổng lồ công nghệ” có trụ sở tại Cupertino, California (Mỹ) vừa yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh hơn một nửa số nhà cung cấp chính của Apple xung quanh khu vực Thượng Hải (Trung Quốc) bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 ở nước này. Điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ khác nhau, khiến nhà sản xuất iPhone phải tìm các giải pháp thay thế.
Nikkei Asia ngày 1/6 cho biết đây là “lần đầu tiên” Apple thực hiện quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh kế hoạch chuyển sản xuất hiện tại, Apple đã làm việc với Công ty BYD của Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất iPad tại Việt Nam. Công ty này dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, nhưng ban đầu có thể chỉ sản xuất một số lượng nhỏ iPad.
Hiện Apple đã thực hiện lắp ráp Airpod tại Việt Nam, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững trong 2 thập niên qua.
Intel đã mở cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip lớn tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2010. Năm ngoái, tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để tăng sản lượng màn hình OLED tại TP Hải Phòng.
Ngay cả trước khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các công ty công nghệ chuyển sản xuất sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
Theo phân tích của Nomura- một ngân hàng đầu tư Nhật Bản, nền kinh tế Việt Nam đã được thúc đẩy gần 8% do sự chuyển dịch sản xuất khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng hai con số trước khi đại dịch gây ra gián đoạn trên toàn cầu. Samsung đã sớm đầu tư và đạt tới 25% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Intel cũng đã thành lập nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của tập đoàn tại đây.
Tất cả những điều này đã giúp Việt Nam, đất nước 100 triệu dân, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ- ASEAN tại Washington và thăm chính thức Hoa Kỳ hồi đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp gỡ quan chức của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, định chế Mỹ để giới thiệu triển vọng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Apple ở bang California (Mỹ), Chủ tịch Apple Tim Cook cho biết Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.
Ngoài ra, ông Cook cam kết sẽ xem xét đề nghị của Thủ tướng Việt Nam về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới.
Theo trang TRTWorld, có những dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt Singapore trong vòng vài năm nếu duy trì được quỹ đạo tăng trưởng hiện tại.
Oxford Economics dự báo khoảng 4% tổng xuất khẩu điện tử toàn cầu sẽ đến từ Việt Nam vào năm 2025. Sian Fenner, chuyên gia kinh tế hàng đầu Châu Á tại Oxford Economics, cho rằng Việt Nam là quốc gia “là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất”.
VY ANH (theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin