Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ

05:04, 18/04/2022

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, sự quan tâm của doanh nghiệp và các chủ thể quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Tuy nhiên hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế- xã hội. Vĩnh Long đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, tìm giải pháp để thúc đẩy hoạt động SHTT tại địa phương.

 

Chuyên gia sở hữu trí tuệ đã đến Vĩnh Long chia sẻ thực trạng hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh.
Chuyên gia sở hữu trí tuệ đã đến Vĩnh Long chia sẻ thực trạng hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh.

(VLO) Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, sự quan tâm của doanh nghiệp và các chủ thể quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Tuy nhiên hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế- xã hội. Vĩnh Long đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, tìm giải pháp để thúc đẩy hoạt động SHTT tại địa phương.

Hoạt động SHTT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016- 2020 của tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, các sở ban ngành đã tích cực góp phần xây dựng nhiều thương hiệu mạnh của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã hỗ trợ tư vấn thiết kế, tra cứu và lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích và sáng chế...

Sở Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ xây dựng 21 nhãn hiệu. Riêng Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng và phát triển 6 thương hiệu và xây dựng mới 14 nhãn hiệu cho các doanh nghiệp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã hướng dẫn về quyền SHTT đối với quyền tác giả và quyền liên quan cho 5 cá nhân đăng ký bảo hộ quyền tác giả...

Tỉnh đã có những thương hiệu có uy tín như: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, Phước Thành IV, Bún Ba Khánh, Phú Vĩnh Long, Hoàng Sơn Vĩnh Long,…

Theo số liệu từ Cục SHTT, tính đến hết năm 2020, Vĩnh Long đã được cấp 1.077 văn bằng bảo hộ gồm: 953 nhãn hiệu, 113 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế, 7 giải pháp hữu ích và 1 chỉ dẫn địa lý (Bưởi Năm Roi Bình Minh), các nhãn hiệu tập thể: cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, bưởi da xanh Vũng Liêm, hành lá Tân Bình, chôm chôm cù lao An Bình…

Theo nghiên cứu của TS. Vương Đức Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam- Bộ KHCN chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp thực hiện chiến lược SHTT đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long”, từ những kết quả khảo sát, hoạt động SHTT tại tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế- xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Số lượng tài sản trí tuệ của Vĩnh Long, đặc biệt là sáng chế chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ. Bên cạnh đó, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa được quan tâm, chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài.

Các tài sản trí tuệ khác như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng được các thương hiệu mạnh, phát huy được giá trị của mình. Các loại hình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể nông sản đang gặp khó khăn ở hình thức quản lý.

Theo quy định, nhãn hiệu hàng hóa tập thể sẽ giao cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sản xuất quản lý nhưng ở Vĩnh Long, các loại hình này hoạt động tương đối yếu và không bền vững để nuôi dưỡng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu…

Tìm giải pháp phát triển SHTT

Việc cấp văn bằng bảo hộ ngày càng được coi trọng để đưa thương hiệu sản phẩm Vĩnh Long đi xa hơn.
Việc cấp văn bằng bảo hộ ngày càng được coi trọng để đưa thương hiệu sản phẩm Vĩnh Long đi xa hơn.

Theo TS. Vương Đức Tuấn, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động SHTT tại tỉnh xuất phát từ một số nguyên nhân chính: Nhận thức về việc sử dụng quyền SHTT làm công cụ phát triển KHCN và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, do vậy các tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chính sách SHTT hay quản lý tài sản trí tuệ.

Tỉnh thiếu hụt về nguồn nhân lực có chuyên môn về SHTT, thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu- các chủ thế sáng tạo với doanh nghiệp còn hạn chế.

Ngược lại, các chủ thể sáng tạo cũng dè dặt trong nhận đặt hàng từ phía doanh nghiệp do năng lực nghiên cứu chưa đáp ứng các yêu cầu về chất lượng…

Thầy Đặng Văn Hồng- Trường CĐ Vĩnh Long cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, thầy tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, có sản phẩm đạt giải cao và đã kết hợp với doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm vào thực tế như dây chuyền lau bóng gạo được Công ty Phước Thành IV ứng dụng.

Tuy nhiên, “chúng tôi chưa hiểu rõ thủ tục cần làm gì để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công nhận quyền SHTT. Từ đây, tôi mong rằng khi các sản phẩm tham dự cuộc thi sáng tạo, các sở ngành quản lý sẽ hỗ trợ ngay việc làm thủ tục công nhận quyền SHTT”- thầy Đặng Văn Hồng chia sẻ.

Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Văn Tùng cho biết, với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Phát triển phải dựa trên mô hình tăng trưởng lấy con người làm trung tâm, phát triển nền kinh tế số và kinh tế tri thức, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của nhân dân.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của hoạt động SHTT trong việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, coi việc thực hiện “Chiến lược SHTT đến năm 2030” là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh