Nghiên cứu mới cho thấy một số loài chim di cư đã chọn ở lại bắc bán cầu vào mỗi mùa đông thay vì di cư về phương nam như trước nay.
Nghiên cứu mới cho thấy một số loài chim di cư đã chọn ở lại bắc bán cầu vào mỗi mùa đông thay vì di cư về phương nam như trước nay.
Đàn chim én trong mùa di cư - Ảnh: GETTY IMAGES |
Nghiên cứu của Hội Ủy thác nghiên cứu chim Vương quốc Anh (BTO) cho thấy nhiều loài chim di cư như các loài én đã không còn thực hiện những chuyến đi vạn dặm tránh rét.
Trong hai tháng 1 và 2 năm 2022, hơn 100 báo cáo ghi nhận ở Vương quốc Anh cho thấy nhiều bầy chim én đã "từ chối" di cư, thay vào đó vẫn ở cố định một nơi chờ mùa xuân tới.
Giáo sư Juliet Vickery, giám đốc điều hành của BTO, cho rằng nguyên nhân chính của xu hướng mới này là do thời tiết đã ấm hơn đáng kể trong mùa đông. Do biến đổi khí hậu, nhiều nơi ở châu Âu nói chung và Vương quốc Anh nói riêng không còn quá lạnh lẽo.
Để thích ứng với nhiệt độ ấm lên, một số loài chim di cư cũng đã thay đổi ngoại hình. Hàng chục năm qua, nhiều loài đã trở nên nhỏ hơn, cánh dài hơn để tản nhiệt hiệu quả, dễ đối phó với những đợt nắng nóng và khô ngay trong mùa đông.
Nhiều con chim én đã không còn di cư mỗi năm - Ảnh: GETTY IMAGES |
Theo truyền thống, chim sẽ di chuyển về phía nam bán cầu. Các chuyến đi về nam thường bắt đầu vào cuối mùa hè ở châu Âu. Quãng đường đi của chim én có thể lên tới gần 10.000km. Nhiều con chim di cư được ghi nhận bay từ Anh đến tận Nam Phi.
Ngoài nhiệt độ quá lạnh với chim, mùa đông ở châu Âu thường rất khan hiếm các côn trùng, nguồn thức ăn chính của chúng. Chim sẽ trở về khi xuân đến.
Giáo sư James Pearce-Higgins, giám đốc khoa học của BTO, cho rằng cảnh tượng mùa đông ấm áp đến nỗi nhiều loài chim én có thể sống sót mà không cần di cư là điều các nhà khoa học khó hình dung cách đây vài thập kỷ.
Ngoài chim én, nhiều loài khác từ côn trùng, lưỡng cư, cá… đều đang buộc lòng phải thay đổi những thói quen sống để thích nghi với sự biến chuyển của nhiệt độ.
"Điều này cho thấy biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng", giáo sư James Pearce-Higgins nói.
Theo Hoàng Thi/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin