Thúc đẩy phát triển các nền tảng số Make in Vietnam

09:12, 26/12/2021

Nền tảng số Make in Vietnam được coi là hạ tầng mềm của không gian số, giúp giải quyết các bài toán của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, tạo đòn bẩy để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam hội nhập quốc tế.

 

Nền tảng số Make in Vietnam được coi là hạ tầng mềm của không gian số, giúp giải quyết các bài toán của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, tạo đòn bẩy để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam hội nhập quốc tế.

Khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.  Ảnh minh họa
Khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, không thể để toàn bộ dữ liệu của ngành kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đẩy nhanh, làm chủ các hạ tầng, nền tảng số cho từng ngành, từng lĩnh vực và đây cũng chính là cơ hội cho các nền tảng Make in Vietnam phát triển.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày 11/12 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 35 nền tảng Make in Vietnam, được chia thành 6 nhóm: hạ tầng số; chính phủ số; công nghệ số cốt lõi; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh và lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương. Trước đó, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt 38 nền tảng Make in Vietnam, tập trung các lĩnh vực như: đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), tư vấn sức khỏe, khám, chữa bệnh...

Với xấp xỉ 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hứa hẹn cho các sản phẩm Make in Vietnam. Và gần 100 nền tảng Make in Vietnam được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong 2 năm qua đã phần nào khẳng định, các doanh nghiệp số của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng làm chủ công nghệ và cạnh tranh với các nền tảng tương tự của quốc tế.

Thực tế, không ít doanh nghiệp đã dịch chuyển từ các nền tảng số nước ngoài sang các nền tảng số trong nước, bởi phần lớn các sản phẩm này đều hướng đến và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cộng đồng như: sức khỏe, học tập, vui chơi... Bên cạnh đó, các sản phẩm Make in Vietnam có lợi thế về chi phí thấp hơn, đội ngũ hỗ trợ khách hàng luôn thường trực, không vướng các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...

Khi dịch COVID-19 xảy ra, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, đặt các tổ chức, doanh nghiệp đứng trước yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, đồng thời phải lựa chọn những giải pháp tiết kiệm chi phí.

Với chiến lược phát triển các nền tảng số Make in Vietnam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động. Từ đó, tạo ra các sản phẩm công nghệ của người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ và phát triển ngay tại thị trường Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam, xác lập vị thế Việt Nam trên “bản đồ công nghệ số” của thế giới.

Để làm được điều này, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai các chiến lược phát triển công nghệ số phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông cần thúc đẩy công tác truyền thông, quảng bá các nền tảng số trong nước, tạo niềm tin cho các tổ chức, doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm.

Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt nhằm thu hút những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng xây dựng những nền tảng dịch vụ để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp và người dân ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, mặc dù các nền tảng Make in Vietnam có lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, phải cho thấy được những tính năng nổi trội và khác biệt so với các nền tảng tương tự của nước ngoài. Khi đó các nền tảng số trong nước sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

VY ANH (theo Nhandan.vn)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh