Những năm gần đây, ngành giáo dục luôn chú trọng khuyến khích khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, ứng dụng sáng tạo vào thực tế cuộc sống. Những "sáng kiến xanh" của thầy và trò ươm mầm sáng tạo, mang đến thông điệp bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, ngành giáo dục luôn chú trọng khuyến khích khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, ứng dụng sáng tạo vào thực tế cuộc sống. Những “sáng kiến xanh” của thầy và trò ươm mầm sáng tạo, mang đến thông điệp bảo vệ môi trường.
Gợi đam mê từ thực nghiệm thú vị
Thầy Lưu Thành Đạt (thứ 2 từ phải sang) cùng học trò mày mò sáng tạo và tham dự các cuộc thi.Ảnh chụp trước dịch |
Xã Loan Mỹ- Tam Bình có khoảng 70% học sinh đồng bào Khmer. Những năm gần đây, kết quả học tập của các em ngày càng nâng lên, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi.
Theo ThS. Lưu Thành Đạt- Trường THCS Loan Mỹ, năm học 2019- 2020, trường có 2 em đạt giải nhất thực hành thí nghiệm cấp huyện. Đến năm học 2020- 2021, có em đạt thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, đạt nhiều giải ở cuộc thi thực hành thí nghiệm Vật lý và 2 lần đạt giải nhì ở hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh.
Không chỉ tiếp thu kiến thức qua lời giảng, thầy và trò cùng nhau mày mò sáng tạo, học hỏi nhiều hơn từ thực nghiệm, các em hăng say học tập và yêu thích bộ môn khoa học tự nhiên hơn.
Năm 2019, thầy Lưu Thành Đạt sáng tạo nên bộ thiết bị đóng ngắt mạch tự động giúp tiết kiệm điện nước, tích hợp nhà vệ sinh thông minh.
Thiết bị đóng mở van điện, nước nhờ cảm biến, đóng mở quạt thông khí, máy sấy khô tay và các tính năng phụ như camera quan sát bằng điện thoại cũ với giá thành thấp hơn các camera trên thị trường để theo dõi khu vực trước nhà vệ sinh, tránh trường hợp học sinh chọn khu vực này để hút thuốc, các tệ nạn khác trong trường học.
Nhờ trang bị thêm pin năng lượng mặt trời nên không sợ cúp điện, sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, tính tự động hóa cao, tiệt kiệm điện, nước, nhân công vệ sinh.
Với chi phí đầu tư thấp, bộ thiết bị mới dùng đại trà cho công ty, gia đình, trường học và được áp dụng vào giảng dạy.
Thầy Đạt cho biết: “4 hệ thống đã được sử dụng tại Trường THCS Loan Mỹ, sử dụng ở Trường THCS thị trấn Tam Bình, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và gia đình một số hộ dân trong xã Loan Mỹ. Thiết bị dùng pin năng lượng mặt trời giúp cho các hộ nghèo trong ruộng chưa có điện có thể chiếu sáng 8 giờ mỗi ngày”.
Em Sơn Thành Đạt (Loan Mỹ- Tam Bình) với 2 lần đạt giải nhì ở hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh. |
Em Sơn Thành Đạt với 2 lần đạt giải nhì ở hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh chia sẻ: càng sáng tạo thì các em càng thích vì những kiến thức đã học thực sự có ích trong cuộc sống. “Học sinh ở vùng sâu nên tụi em còn bỡ ngỡ lắm khi mới làm quen các thiết bị.
Các thiết bị của thầy Đạt ứng dụng vào dạy học trải nghiệm STEAM, thiết kế mạch điện ở các khối lớp. Từ thực nghiệm thú vị, tụi em thích thú hơn trong từng tiết học, tin tưởng hơn vào những điều đã học và thầy có thể mở rộng kiến thức nhiều hơn. Đặc biệt là ai cũng ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”- em Đạt bộc bạch.
Thỏa sức sáng tạo với nguyên liệu tái chế
Xuất phát từ thực tế lượng rác thải ra môi trường rất nhiều và các loại rác như lá cây, cỏ khô, vỏ trái cây, rau củ không còn ăn được có thể dùng để ủ làm phân bón hữu cơ, em Nguyễn Trúc Huỳnh- Trường Tiểu học Hòa Hiệp (Tam Bình) được thầy cô hướng dẫn và tự học thêm trên internet để làm ra mô hình phân loại rác và ủ phân hữu cơ.
Em Nguyễn Trúc Huỳnh với mô hình ủ phân hữu cơ. |
Trúc Huỳnh kể: “Em sử dụng xô đựng nước cũ, vỏ lon nước sơn, đĩa CD không còn sử dụng được, cặp bánh xe… để làm. Sau thời gian nghỉ hè, rác hữu cơ đã phân hủy thành phân hữu cơ, có thể sử dụng để trồng hoa kiểng làm các công trình măng non, giảm được tiền thuê mướn xe chở rác.
Sản phẩm đã giúp em biết cách giữ vệ sinh, biết phân loại rác theo quy định và nhất là các sản phẩm thừa như rau, củ, trái cây được tận dụng làm phân bón cho cây được xanh tốt, hổng tốn kém mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường”.
Cũng từ nguyên liệu tái chế như vải vụn, vỏ hến, nắp chai, đĩa CD cũ, với đôi tay khéo léo, em Lê Thị Phương Linh- Trường Tiểu học Tân Long B (Mang Thít) sáng tạo nên bức tranh “Tình mẫu tử”.
Linh háo hức nói về bức tranh: “Từ vải vụn, các nguyên liệu không dùng nữa, em dán bằng keo silicon, sử dụng nguyên liệu tái chế vừa bảo vệ môi trường vừa cũng có thể trang trí cho ngôi nhà của mình, bày tỏ tình cảm với mẹ”.
Em Trần Ngọc Thảo Tiên- Trường Tiểu học Phú Thành (Trà Ôn) thì tạo nên máy rửa tay sử dụng năng lượng mặt trời. Hiện nay dịch COVID-19 diễn ra khắp nơi, Tiên được tuyên truyền, hướng dẫn rửa tay để phòng tránh dịch.
Với sự hướng dẫn của thầy cô, từ vật liệu quen thuộc như thùng nhựa, ống nước, mô tơ, công tắc, quạt, tấm pin năng lượng mặt trời, Tiên tạo nên máy rửa tay mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Máy vừa nhỏ gọn, có thể sử dụng ở mọi nơi, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường và góp phần phòng chống dịch.
Việc bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tái chế… bắt đầu từ những bài học nâng cao sự hiểu biết của các em về tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống con người và sinh vật.
Từ giáo dục, nhận thức chuyển hóa thành thái độ ứng xử, hành vi cho mỗi em ngay từ lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất. Các em cùng hướng đến môi trường xanh- sạch- đẹp, lan tỏa ra toàn xã hội bằng hành động, bằng những sáng kiến động viên mọi người cùng tư duy, sáng tạo, đóng góp cho xã hội.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin