Omicron tiếp tục là ẩn số

01:12, 20/12/2021

Các dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đang trên đà tăng, nhưng liệu nó có thay thế được Delta hay không, hoặc đẩy đại dịch đi theo chiều hướng nào vẫn còn là dấu hỏi.

Các dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đang trên đà tăng, nhưng liệu nó có thay thế được Delta hay không, hoặc đẩy đại dịch đi theo chiều hướng nào vẫn còn là dấu hỏi.

Người đàn ông đội mũ cây thông Noel và đeo khẩu trang phòng dịch ở thủ đô London, “tâm dịch” của nước Anh, hôm 19/12 - Ảnh: Reuters
Người đàn ông đội mũ cây thông Noel và đeo khẩu trang phòng dịch ở thủ đô London, “tâm dịch” của nước Anh, hôm 19/12 - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa công bố đã xác nhận được gần 25.000 ca COVID-19 nhiễm biến thể Omicron, tăng hơn 10.000 ca so với 24 giờ trước đó. Số ca tử vong tăng từ 1 lên 7, còn số ca nhập viện tăng từ 65 lên 85.

Delta vẫn là mối nguy chính

Trước đó một ngày, Nhóm cố vấn khoa học tình trạng khẩn cấp (Sage) của Chính phủ Anh cho biết họ tin "gần như chắc chắn" số người nhiễm Omicron mỗi ngày phải lên đến "hàng trăm ngàn" nhưng chưa thống kê được hết.

"Hiện tại, số ca nhiễm Omicron được ghi nhận nhập viện ở Vương quốc Anh có lẽ chỉ bằng 1/10 con số thật do các bệnh viện chưa kịp thu thập dữ liệu (khoảng 850 ca - PV). Nếu không có biện pháp khác làm chậm sự lây lan, mô hình tính toán dự báo ít nhất 3.000 ca nhập viện mỗi ngày ở Anh" - báo cáo của Sage viết.

Theo dữ liệu của trang Our World in Data, Anh đã bị làn sóng Delta tấn công từ giữa mùa hè với số ca nhiễm trung bình ngày dao động từ 20.000 - 50.000. 

Từ cuối tháng 11 tới nay ca nhiễm có xu hướng tăng không ngừng, vượt qua mốc 50.000 và đã lên hơn 93.000 ca vào ngày 16/12, tuy nhiên ca tử vong vẫn ổn định (trên dưới 120 ca/ngày), thấp hơn hồi đầu tháng 11.

Vẫn chưa rõ yếu tố nào thúc đẩy ca nhiễm tăng vọt như vậy, do biến thể mới hay đặc tính theo mùa của dịch bệnh (mùa đông, người dân có xu hướng tụ tập trong nhà). 

Nhưng có thể thấy số liệu đã xác nhận liên quan đến Omicron còn khiêm tốn, mọi chỉ số đều nhỏ hơn so với Delta - đặc biệt là số ca nhập viện và tử vong.

Như vậy, áp lực chính đối với hệ thống y tế Anh trước mắt vẫn là Delta, còn Omicron là mối nguy bất định. 

Theo một nghiên cứu nhỏ của Trường Imperial College London, nhóm khoa học gia nói "không tìm thấy bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta", nhưng họ thừa nhận dữ liệu còn rất hạn chế, chỉ bao gồm vỏn vẹn 24 ca nhập viện nghi nhiễm Omicron. 

Trong khi đó, vài nghiên cứu khác lại cho kết quả lạc quan hơn, ví dụ Đại học Hong Kong phát hiện Omicron không làm tổn thương phổi nặng như Delta.

Omicron sẽ chiếm ưu thế?

Anh phát hiện chùm ca Omicron đầu tiên vào ngày 27/11 nhờ Nam Phi công bố thông tin 3 ngày trước đó. Nhưng đây là thời điểm phát hiện, không phải thời điểm Omicron lần đầu xuất hiện. 

Chẳng hạn giáo sư Oliver Pybus từ Đại học Oxford tính toán Omicron đã bắt đầu lây khắp thế giới từ khoảng cuối tháng 10.

Từ cuối tuần trước, các nước láng giềng như Đức, Pháp đã ban bố biện pháp hạn chế đi lại với Anh; Hà Lan còn đi xa hơn bằng việc phong tỏa cả nước suốt mùa lễ hội đến tận ngày 14/1/2022 - một biện pháp "xa xỉ" chẳng mấy ai còn đủ sức làm.

"Hà Lan một lần nữa tiếp tục phong tỏa. Điều này không tránh được vì làn sóng COVID-19 thứ 5 đang diễn ra và Omicron lây lan nhanh hơn chúng ta lo sợ. Chúng ta phải can thiệp để đề phòng" - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu trước toàn dân tối 18-12.

Các dự báo đều nói Omicron bắt đầu chiếm ưu thế (so với Delta) ở châu Âu trong khoảng thời gian từ giữa Noel đến năm mới 2022. Có thể đến lúc đó thế giới sẽ có cái nhìn rõ ràng đầu tiên về mối nguy Omicron mang lại.

Riêng tại Anh, việc hệ thống y tế đã quá tải trước cả khi "sóng Omicron" ập đến là lý do khiến nhà chức trách lo "vỡ trận". Đài BBC đưa tin các bệnh viện ở Anh, đặc biệt là London, đang thiếu người nghiêm trọng vì có quá nhiều nhân viên phải cách ly do nhiễm COVID-19.

"Chúng tôi chưa thấy rõ tác động của việc thiếu y bác sĩ để vận hành một cách hợp lý và an toàn. Nên chúng tôi lo bệnh nhân sẽ gánh chịu chỉ vì chúng tôi không đủ người" - bác sĩ Katherine Henderson, từ Bệnh viện St Thomas’ Hospital (London), trả lời BBC.

Việt Nam không để bị động trước Omicron

Ngày 19/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công điện số 1745/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng; khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

Theo PHÚC LONG/Tuổi Trẻ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh