Chuyển đổi số - vấn đề sống còn của doanh nghiệp

02:12, 08/12/2021

Tại Hội thảo "Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh Chuyển đổi số", do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, Chuyển đổi số là một vấn đề "sống còn", tạo ra cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

 

Chuyển đổi số - vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: KHCN
Chuyển đổi số - vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: KHCN

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh Chuyển đổi số”, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, Chuyển đổi số là một vấn đề “sống còn”, tạo ra cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thương mại điện tử thay đổi xu hướng mua sắm

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng tới nền kinh tế, tuy nhiên, trong khó khăn lại thúc đẩy nhiều mô hình kinh doanh mới phát triển, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Thời gian qua, TMĐT đã phát triển khá nhanh và đã ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng.

Thông tin trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố mới đây cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỉ lệ người dân sử dụng Internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm; doanh thu TMĐT liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua.

Nếu như năm 2016 đạt 5 tỉ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỉ USD và năm 2020 là 11,8 tỉ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới.

Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến nay, Việt Nam đã có thêm trên 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% trong số này đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai, cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật kỹ số của người dùng Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỉ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực TMĐT (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Qua đó có thể thấy, thị trường TMĐT hiện đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp (DN) và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường TMĐT đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các DN vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch. Vì vậy, TMĐT sẽ là xu hướng mua sắm mới với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng.

Đây là cơ hội tốt giúp các DN sản xuất phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, mang tiện ích và trải nghiệm tốt đến cho người tiêu dùng. TMĐT tăng trưởng ấn tượng cũng buộc DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, phải chuyển dịch mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Bộ KHCN - ông Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, TMĐT Việt Nam đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới...

Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều DN trẻ. Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, khiến Chuyển đổi số là một vấn đề “sống còn” trong quá trình phát triển kinh doanh.

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể nền thương mại vì sự chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Bởi vậy, để các DN TMĐT có nhiều cơ hội phát triển thị trường trong bối cảnh Chuyển đổi số đạt hiệu quả, các DN Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, nỗ lực Chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường.

Đồng thời, sự phối hợp của các bộ, ngành và các DN cũng là yếu tố quyết định thành công của bước tiến Chuyển đổi số cho DN trong bối cảnh hiện nay. Giám đốc kinh doanh chiến lược Teko Việt Nam - ông Ôn Như Bình cho rằng, nhiều doanh nghiệp truyền thống vẫn đang đặt vấn đề lợi nhuận lên rất nhiều trong quá trình Chuyển đổi số, mặc dù vẫn chưa có nền tảng ổn định để tạo ra lợi nhuận.

Trong khi đó, việc mở rộng kênh bán, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức quy trình điều hành, văn hóa doanh nghiệp… lại đòi hỏi sự đầu tư về tài chính và giải pháp từ doanh nghiệp khiến họ dễ nản và bỏ cuộc.

Ông Bùi Quốc Anh, Phụ trách Sàn giao dịch TMĐT Postmart chia sẻ, bên cạnh những mặt tốt, đại dịch COVID-19 kéo dài cũng khiến chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển, vốn chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của DN. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng, nhất là nông sản của Việt Nam, đồng thời cũng ảnh hưởng tới mức giá mua nguyên liệu của nông dân.

Do đó, giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ cho DN chính là tìm các giải pháp cho khâu logistics. Đồng thời, DN cần phải đẩy mạnh Chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sendo - ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, trong bối cảnh dịch COVID-19, người dân và các DN đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của Chuyển đổi số.

Do vậy, cũng cần thúc đẩy, tạo làn sóng tích cực cho TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các DN vừa và nhỏ.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KHCN) Phạm Hồng Quất cho hay, trong bối cảnh đầy cơ hội và thách thức, cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng Chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, nhiều DN, trong đó có nhiều DN nhỏ và vừa (SMEs) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh theo mô hình kinh tế số.

Đặc biệt, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực TMĐT trong mấy năm gần đây mặc dù rất phát triển và có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức với DN.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển Đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam cho rằng, trước bối cảnh hiện nay, nhiều DN Việt vẫn phải đối mặt với thách thức do chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số; thiếu dữ liệu vận hành trên nền tảng số; khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đại dịch; bài toán đầu tư về chi phí vận hành...

Nếu làm tốt các vấn đề này, các DN có thể dễ dàng thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo HIỆP HẠNH/Báo điện tử Lao động

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh