Theo NASA, ở vùng quan sát thuận lợi nhất, nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ sẽ kéo dài tận 3 giờ, 28 phút và 23 giây rạng sáng ngày 19/11 sắp tới.
Theo NASA, ở vùng quan sát thuận lợi nhất, nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ sẽ kéo dài tận 3 giờ, 28 phút và 23 giây rạng sáng ngày 19/11 sắp tới.
Rất tiếc Việt Nam của chúng ta chỉ nằm ở khu vực "rìa" của vùng có thể quan sát nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ. Theo tính toán của trang Date and Time, định vị tại TP HCM cho thấy tổng thời gian quan sát là 1 giờ, 36 phút và 56 giây. Góc nhìn từ TP HCM bất lợi bởi dự báo thời tiết cho thấy trời sẽ nhiều mây.
Nguyệt thực - Ảnh: NASA |
Trong khi đó, Canada, hầu hết nước Mỹ, hầu hết Greenland và một phần nước Nga sẽ nằm trong vùng quan sát nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ thuận lợi nhất với thời gian quan sát trọn vẹn và tỉ lệ che phủ của mặt trăng lên tới 97%, độ che phủ đậm nên sẽ cho phép mặt trăng chuyển màu gần như trăng máu (tức nguyệt thực toàn phần) vào rạng sáng ngày 19-11 sắp tới.
Tại Việt Nam, bạn sẽ chỉ thấy mặt trăng ửng đỏ một góc trong một quãng thời gian ngắn, trước và sau đó là "nguyệt thực nửa tối", tức mặt trăng không đổi màu mà sẽ có một chiếc bóng mờ lướt qua ở phần trên của mặt trăng.
Việt Nam chỉ nằm ở phần rìa của vùng quan sát được và không phải nơi quan sát thuận lợi nhất - Ảnh: Date and Time |
Lý do thời gian quan sát ở Việt Nam ngắn là vì phần đầu của nguyệt thực, hoàng hôn vẫn chưa buông xuống nên không quan sát được mặt trăng. Vào ngày 19-11, từ Việt Nam sẽ trông thấy nguyệt thực từ khi trăng mọc (17 giờ 26 phút 44 giây), đạt cực đại vào lúc 17 giờ 32 phút 49 giây.
Trạng thái nguyệt thực bán phần kết thúc lúc 17 giờ 47 phút 4 giây và trạng thái nguyệt thực nửa tối kết thúc lúc 19 giờ 3 phút 40 giây.
Theo Đài quan sát Holcomb từ Đại học Butler, Indiana, lần nguyệt thực sắp tới này sẽ là nguyệt thực bán phần dài nhất thế kỷ và cũng dài nhất trong vòng 580 năm qua.
Nguyệt thực xảy ra khi Trái Đất rơi vào điểm giữa Mặt Trời và mặt trăng, khiến mặt trăng bị phủ chiếc bóng của chính Trái Đất.
Ánh sáng vẫn yếu ớt uốn cong xung quanh Trái Đất để cho mặt trăng một độ sáng nhất định, nhưng bị bầu khí quyển Trái Đất lọc ra các bước sóng ngắn hơn, xanh hơn, chỉ chừa lại các bước sóng dài màu đỏ và cam. Khi đến được mặt trăng, ánh sáng có màu đỏ sậm gần như màu của gỉ sắt.
Theo Anh Thư/Báo Người lao động (www.nld.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin