Khái niệm metaverse, vì sao công nghệ này được quan tâm, hay các thách thức kỹ thuật... là vấn đề được nhiều người thắc mắc về vũ trụ ảo.
Khái niệm metaverse, vì sao công nghệ này được quan tâm, hay các thách thức kỹ thuật... là vấn đề được nhiều người thắc mắc về vũ trụ ảo.
CEO Mark Zuckerberg nói chuyện với hình đại diện của chính mình trong sự kiện đổi tên thương hiệu Facebook thành Meta.Ảnh: Reuters |
Metaverse là gì?
Thuật ngữ metaverse được tác giả Neal Stephensen đề cập trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số.
Các bộ phim như The Matrix và Ready Player One là ví dụ rõ nhất cho ý tưởng này. Thuật ngữ bắt đầu thu hút sự chú ý khi được Mark Zuckerberg, CEO Meta, nhắc đến trong một sự kiện hồi tháng 6.
Các công nghệ chính sẽ bao gồm các thiết bị giao diện người- máy như kính VR và AR, đồ họa đa chiều, AI, sức mạnh tính toán, phần mềm và phần cứng để tạo hình đại diện cho người dùng.
Tại sao các công ty công nghệ quan tâm đến metaverse?
Các công ty công nghệ đang tìm kiếm tương lai tiếp theo của Internet khi mạng xã hội và smartphone đã bão hòa. Theo ông Lê Mạnh Cương- CEO Mytheria, ngoài giá trị giải trí, metaverse còn đem lại lợi ích cho cả người dùng và nhà phát triển.
Tại đây, người tham gia không bị giới hạn về biên giới, khoảng cách và những người tiên phong sẽ có nhiều lợi thế trong thị trường còn sơ khai.
Facebook cho thấy tham vọng của mình khi đổi tên công ty thành Meta. Họ cũng đang sản xuất Oculus, kính VR phổ biến nhất thế giới. Họ coi metaverse là “phiên bản tiếp theo của Internet”. Tương tự, Microsoft, Apple và Google cũng đang đổ nhiều nguồn lực vào công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Thách thức kỹ thuật là gì?
Theo Nikkei, metaverse mang đến cho người dùng trải nghiệm phong phú đồng nghĩa sẽ yêu cầu truyền tải một lượng lớn dữ liệu với độ trễ thấp. Có nghĩa, kết nối 5G sẽ là điều bắt buộc.
Các yêu cầu khác gồm chất bán dẫn công suất cao để chạy các thuật toán phức tạp và các thiết bị như kính VR để cho phép người dùng hòa mình vào thế giới kỹ thuật số. Các rào cản kỹ thuật vẫn còn, như kính VR còn cồng kềnh, nhiều lỗi về độ phân giải hình ảnh.
Nhiều người vẫn có cảm giác chóng mặt, buồn nôn sau khi sử dụng kính một thời gian dài. Thời lượng pin cũng là một thách thức khi các khả năng tính toán tiên tiến như điều hướng bằng cử chỉ sẽ ngốn năng lượng.
Nội dung cũng đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của metaverse, nhưng phần mềm tạo mô hình 3D vẫn đắt đỏ khiến các nhà phát triển chưa thể tiếp cận trên diện rộng.
Người hoài nghi nói gì về metaverse?
Trong khi các công ty chạy đua để bắt kịp trào lưu, một số nhà phân tích lại tỏ ra thận trọng. Donnie Teng- chuyên gia công nghệ của Nomura Securities, cảnh báo sự cường điệu xung quanh metaverse chỉ là cách để các công ty đưa công nghệ VR và AR vào đời sống một cách phổ biến hơn.
“Khái niệm này đã xuất hiện khá lâu nhưng nó vẫn đang tiếp tục trở thành chủ đề hấp dẫn. Mọi người vẫn đang khám phá các khả năng mà chưa có câu trả lời rõ ràng”- Teng nói với Nikkei. Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng chưa có một cơ sở hạ tầng công nghệ và ứng dụng đủ tốt để thực sự hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một metaverse hoàn toàn ảo.
Quyền riêng tư và an ninh mạng trong vũ trụ ảo?
“Người thổi còi Facebook” Frances Haugen nói metaverse “yêu cầu chúng ta đặt nhiều cảm biến hơn nữa trong nhà và nơi làm việc”. Cô cho rằng các công ty nên có một kế hoạch minh bạch cho vũ trụ ảo trước khi bắt đầu xây dựng “thế giới mới”.
Haugen không phải là người duy nhất đề cao quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. David Reid- giáo sư về AI và máy tính không gian tại ĐH Liverpool Hope, cũng đang kêu gọi điều chỉnh metaverse trước khi công nghệ trở thành hiện thực trong 5- 10 năm tới. “Metaverse có những tác động to lớn với xã hội. Bên cạnh lợi thế tuyệt vời sẽ là những mối nguy hiểm đáng sợ”- Nikkei dẫn lời Reid.
VY ANH (theo vnExpress)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin