Theo truyền thông Trung Quốc, Đại học Phúc Đán của nước này đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước phát triển công nghệ có thể phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt chỉ trong vòng 3 giây.
Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt (Ảnh: The Paper). |
Theo truyền thông Trung Quốc, Đại học Phúc Đán của nước này đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước phát triển công nghệ có thể phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt chỉ trong vòng 3 giây.
Công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 có tên COVID-19 EYE TEST này sử dụng các phần cứng thông minh như điện thoại di động để chụp ảnh mắt và xác định xem người được chụp có mắc Covid-19 hay không trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 3 giây.
Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong số những người có nguy cơ cao được phát hiện bởi công nghệ này, có tới trên 99% cho kết quả xét nghiệm axit nucleic là dương tính, theo kết quả thử nghiệm tại Nhật Bản.
Hiện tại, chỉ số trung bình về độ nhạy và độ đặc hiệu của COVID-19 EYE TEST trong các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều khu vực trên thế giới đạt trên 85%, đối với người Đông Á cao tới 97%.
Người kiểm tra có thể sử dụng công nghệ này mọi nơi mọi lúc, thao tác thuận tiện và hầu như không tốn kém. Công nghệ này đã được cho phép sử dụng miễn phí vĩnh viễn đối với người dân ở Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ này đã được truyền cảm hứng từ các lý luận liên quan đến “mục chẩn”, tức chẩn đoán qua mắt của y học cổ truyền Trung Quốc, lý thuyết vi tuần hoàn bề mặt mắt của phương Tây, công nghệ phát hiện bề mặt mắt. Họ đã tập hợp một nhóm các chuyên gia và triển khai các thử nghiệm lâm sàng về kiểm tra mắt nhằm phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 xuyên khu vực và đa sắc tộc trên toàn cầu.
Tuy vậy, để cho kết quả chuẩn xác, việc chụp ảnh phải được thực hiện trong môi trường có đủ ánh sáng, tránh chụp trước phông nền đỏ và mắt người thử không được trang điểm, đeo kính áp tròng, không bị tóc che khuất.
Ngoài ra, độ phân giải của máy ảnh không được dưới 3 triệu pixel, độ phân giải hình ảnh của mắt phải cao hơn 1900x500 và không được qua bộ lọc.
Theo khuyến cáo, công nghệ này chỉ được dùng để sàng lọc bổ sung mà không được phép thay thế các xét nghiệm axit nucleic./.
Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin