Nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy tải lượng virus SARS-CoV-2 trong vùng mũi họng của bệnh nhân Covid-19 khác nhau vào các thời điểm trong ngày nên việc xét nghiệm đúng "giờ vàng" có thể cải thiện độ nhạy của các dạng test Covid-19.
Độ nhạy của test Covid-19 có thể tăng lên gấp đôi nếu test vào giữa ngày và giảm xuống mạnh nếu test sau 20 giờ tối (Ảnh minh họa từ News Medical) |
Nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy tải lượng virus SARS-CoV-2 trong vùng mũi họng của bệnh nhân Covid-19 khác nhau vào các thời điểm trong ngày nên việc xét nghiệm đúng "giờ vàng" có thể cải thiện độ nhạy của các dạng test Covid-19.
Nghiên cứu mới từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) khẳng định nếu làm xét nghiệm Covid-19 vào giữa ngày, kết quả dương tính chính xác sẽ cao gấp 2 lần so với ban đêm. Nếu làm xét nghiệm sau 20 giờ tối, nguy cơ âm tính giả sẽ cao, dẫn đến nguy cơ bỏ sót ca bệnh.
Công trình này được cho là rất có ý nghĩa trong bối cảnh các dạng test nhanh đang ngày một phổ biến. Test nhanh vốn kém nhạy hơn test RT-PCR, nhưng nhanh gọn, ít tốn kém hơn, có thể tự thực hiện và đặc biệt ý nghĩa ở những nơi xảy ra lây nhiễm cộng đồng diện rộng. Cải thiện độ nhạy của test nhanh là điều nhiều cơ quan y tế khắp thế giới quan tâm.
Trong bài công bố vừa đăng tải ngày 26/10 trên tạp chí khoa học Journal of Biological Rhythms, nhóm tác giả dẫn đầu bởi giáo sư Carl Johnson (tổ chức Cornelius Vanderbilt, thuộc Đại học Vanderbilt), phó giáo sư Candace McNaughtion và phó giáo sư Thomas Lasko (Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt) cho biết các dữ liệu mới của họ ủng hộ giả thuyết từ lâu rằng Covid-19 hoạt động khác nhau trong cơ thể vào các thời điểm, dựa trên nhịp sinh học tự nhiên, điều cũng xảy ra với nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn vì virus khác.
Theo Medical Xpress, các tác giả nhận ra rằng quá trình các tế bào bị nhiễm bệnh giải phóng các phần tử virus lây nhiễm vào máu và chất nhầy dường như hoạt động mạnh hơn vào giữa ngày, do sự điều chỉnh của hệ thống miễn dịch theo đồng hồ sinh học của chúng ta.
"Thực hiện test Covid-19 vào thời điểm tối ưu trong ngày sẽ cải thiện độ nhạy của test, giúp chẩn đoán chính xác hơn những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng'' - Giáo sư Johnson cho biết. Người bệnh không triệu chứng, theo các nghiên cứu, thường có tải lượng virus khá thấp nên có thể khó nhận diện qua các loại test nhanh có độ nhạy không cao vào giai đoạn đầu và cuối của bệnh, khi mức virus chưa kịp tăng cao hoặc khi đã giảm bớt.
Điều này không chỉ cho thấy thời điểm từ qua trưa đến chiều là thuận lợi cho việc lấy mẫu xét nghiệm, mà còn cho thấy đó là thời điểm bệnh nhân có khả năng phát tán virus cao nhất nếu tương tác với người khác. Do vậy, phát hiện mới có thể giúp tối ưu hóa hiệu quả các chiến lược xét nghiệm lẫn các chiến lược phòng ngừa.
Theo Anh Thư/báo Người Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin