Làm sao để cải thiện các triệu chứng khó chịu sau khi khỏi COVID-19?

07:09, 04/09/2021

Mặc dù đã hồi phục nhưng có khoảng 10% bệnh nhân (BN) COVID-19 vẫn gặp các triệu chứng tương tự lúc nhiễm bệnh như mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ hoặc rụng tóc. Riêng ở Vũ Hán (Trung Quốc)- theo Báo Tuổi Trẻ- có đến 50% BN gặp tình trạng này. Giới khoa học gọi đây là tình trạng "long COVID", tạm dịch là hội chứng COVID-19 kéo dài.

 

Một số người vẫn tiếp tục bị ho khan, khó thở sau khi khỏi COVID-19.
Một số người vẫn tiếp tục bị ho khan, khó thở sau khi khỏi COVID-19.

Mặc dù đã hồi phục nhưng có khoảng 10% bệnh nhân (BN) COVID-19 vẫn gặp các triệu chứng tương tự lúc nhiễm bệnh như mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ hoặc rụng tóc. Riêng ở Vũ Hán (Trung Quốc)- theo Báo Tuổi Trẻ- có đến 50% BN gặp tình trạng này. Giới khoa học gọi đây là tình trạng “long COVID”, tạm dịch là hội chứng COVID-19 kéo dài.

Thông thường, COVID- 19 gây bệnh ở mức độ nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong khoảng vài ngày đến 1 tháng. Tuy nhiên, một BN vẫn còn các triệu chứng sau khi đã khỏi COVID-19 trong vài tháng, thậm chí là 1 năm. Triệu chứng có thể xuất hiện theo từng đợt nhưng thường là kéo dài dai dẳng. 

Ai có thể bị hội chứng “long COVID”

Triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể xảy ra với bất kỳ ai đã mắc COVID-19, bất kể trường hợp nhẹ hay nặng và bất kể tình trạng bệnh lý đã có từ trước, trừ những ai bị COVID-19 nhưng không có triệu chứng.

Những đối tượng được chẩn đoán mắc hội chứng “long COVID” thường có những yếu tố sau: đã từng mắc COVID-19 trước đó và có các triệu chứng (cả nặng và nhẹ); các triệu chứng tồn tại trong 12 tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19: các triệu chứng cụ thể ảnh hưởng đến thần kinh, tim, phổi hoặc sức khỏe tâm thần.

Các triệu chứng của “long COVID”

Giống như COVID-19, “long COVID” có thể ảnh hưởng đến gần như mọi bộ phận của cơ thể và các triệu chứng có thể khác nhau. Theo các chuyên gia nghiên cứu của ĐH California Davis Health (Mỹ), các triệu chứng phổ biến nhất của “long COVID” là:  

Ho khan: Khoảng 19% BN sau khi mắc COVID-19 bị mắc chứng ho dai dẳng.

Mệt mỏi: 58% BN hồi phục sau COVID-19 cảm thấy mệt mỏi, một số người khác còn không thể làm việc do họ quá mệt mỏi.

Đau nhức cơ thể, đau khớp và đau đầu: khoảng 1/4 BN sau khi khỏi COVID-19 cho biết họ bị khớp, đau đầu và tiếp tục bị đau họng.

Mất vị giác và khứu giác: khoảng 1/5 BN mắc hội chứng “long COVID” cho biết họ bị mất khứu giác và vị giác.

“Sương mù não”: tình trạng lú lẫn kéo dài và khó khăn về suy nghĩ, trí nhớ thường gặp ở những BN cao tuổi mắc COVID-19 phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.  

Khó thở: gần 25% BN hồi phục cho biết họ vẫn cảm thấy khó thở hoặc hụt hơi, ngay cả khi nghỉ ngơi. 

Tim đập nhanh: khoảng 11% BN bị tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim…

Ngoài những triệu chứng trên, COVID-19 cũng có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể như có thể làm khởi phát đái tháo đường; suy tim; các triệu chứng tâm thần, bởi BN có thể bị lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, rối loạn căng thẳng sau khi mắc COVID-19.

Với hơn 200 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới bày tỏ lo ngại sâu sắc về những người đang gặp tình trạng khó thở, cơ bắp yếu, cực kỳ mệt mỏi, tâm thần không ổn, rối loạn nhịp tim,... nhiều tháng sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Điều trị hội chứng “long COVID” như thế nào?

Hiện nay, các nhà khoa học và bác sĩ vẫn đang tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng “long COVID”.

Có thể lấy lại khứu giác, vị giác sau bằng cách ngửi các mùi hương quen thuộc (thường là tinh dầu bạch đàn, hoa hồng, chanh và đinh hương) 2 lần/ngày đồng thời ghi nhớ mùi hương đó có mùi như thế nào. Huấn luyện khứu giác giúp xây dựng các kết nối trong não và thực hiện phương pháp này trong ít nhất 6 tháng. Những BN có sự thay đổi kéo dài về vị giác và khứu giác nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng càng sớm càng tốt.

Nếu khó thở hoặc ho làm thức giấc vào ban đêm thì có thể thử áp dụng các bài tập thở đặc biệt để cải thiện hoạt động của hệ hô hấp.

BN bị tổn thương tim nên đến gặp bác sĩ tim mạch để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. 

Hiện chưa có loại thuốc nào được sử dụng để điều trị hội chứng này. Do vậy, cách tốt nhất để tránh triệu chứng “long COVID” chính là tiêm vắc xin phòng COVID-19. Một người vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm phòng, nhưng khi mắc bệnh thì triệu chứng sẽ ít nghiêm trọng hơn, thời gian hồi phục ngắn hơn và xác suất phát triển triệu chứng “long COVID” là rất thấp. 

Theo nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh ngày 26/8, sau 12 tháng mắc COVID-19 và hồi phục, có 20% số BN vẫn gặp phải các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi hoặc yếu cơ, 17% khó ngủ và 11% bị rụng tóc. 12 tháng sau khi khỏi COVID-19, gần 1/3 BN vẫn có cảm giác bị hụt hơi. “Long COVID” là một thách thức đối với nền y học hiện đại và đang được các nhà khoa học khắp thế giới tập trung nghiên cứu.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh