Vì sao vắc-xin ARCT-154 được Mỹ chuyển giao công nghệ vẫn thử nghiệm 3 giai đoạn?

11:08, 16/08/2021

Vắc-xin ARCT-154 chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến có khả năng chống được biến chủng Delta. Vắc-xin này cũng đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 tại Singapore.

Vắc-xin ARCT-154 chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến có khả năng chống được biến chủng Delta. Vắc-xin này cũng đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 tại Singapore.

Chiều 15/8, Trường Đại học Y Hà Nội đã hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm 50 người trong số 100 người tình nguyện được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 ARCT-154. Số còn lại sẽ toàn thành việc tiêm mũi 1 vắc-xin trong ngày 16/8.

GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu viên chính của Dự án, cho biết theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc trong 40 ngày kể từ ngày 15/8. Vắc-xin phòng Covid-19 ARCT-154 do Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ.

 Tiêm thử nghiệm vắc-xin ARCT-154 cho người tình nguyện - Ảnh: Ngô Nhung
Tiêm thử nghiệm vắc-xin ARCT-154 cho người tình nguyện - Ảnh: Ngô Nhung

ARCT-154 là vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vắc-xin Pfizer và Moderna đã được cấp phép) đầu tiên của Việt Nam.

Các loại vắc xin chống Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác trên thế giới...

Kết quả nhận được rất khả quan, tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp, tính sinh miễn dịch cao.

Vắc-xin ARCT-15 được cải tiến để có thể phòng chống được các biến thể nguy hiểm như: Alpha, Beta, Delta, Gamma… Đặc biệt, ARCT-154 là vắc-xin có khả năng chống được biến chủng Delta, đang được thử nghiệm giai đoạn 1, 2 tại Singapore.

Theo GS-TS Tạ Thành Văn, đề cương thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 tại Việt Nam đã kế thừa những kết quả đạt được khi thực hiện ở nước ngoài do nhà sản xuất cung cấp.

Bên cạnh đó, đề cương có bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với các điều kiện của Việt Nam và đạt chuẩn mực của thế giới.

Người tình nguyện được khám sàng lọc,, lấy mẫu máu trước khi tiêm vắc-xin- Ảnh: Ngô Nhung
Người tình nguyện được khám sàng lọc,, lấy mẫu máu trước khi tiêm vắc-xin- Ảnh: Ngô Nhung

Với tinh thần vắc-xin dùng cho người phải đảm bảo an toàn và hiệu quả, phù hợp với người Việt Nam, Hội đồng Đạo đức Quốc gia của Bộ Y tế đã đề nghị vắc-xin này phải thử nghiệm đầy đủ cả 3 pha (3 giai đoạn). Trong đó pha 1-2 được Hội đồng cho phép đẩy nhanh, từng bước cuốn chiếu khẩn trương chuyển sang pha 3.

"Quy trình được rút ngắn lại nhưng vẫn đảm bảo khoa học của thế giới" - GS Văn khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, với tiến độ dự kiến, vắc-xin ARCT-154 hoàn toàn có thể kết thúc 3 giai đoạn thử nghiệm ngay trong năm 2021, tiến tới sản xuất thành công vắc-xin này. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin của nhà sản xuất.

Nghiên cứu sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu tuổi từ 18 tuổi trở lên, trong đó:

+ Giai đoạn 1: Thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện.

+ Giai đoạn 2: Thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu.

+ Giai đoạn 3: Số lượng 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh