Trong 6 tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại 4 biến thể SARS-CoV-2 là Alpha, Beta, Gamma và Delta "cần quan tâm" vì chúng dễ lây truyền hơn hoặc có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch.
(VLO) Trong 6 tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại 4 biến thể SARS-CoV-2 là Alpha, Beta, Gamma và Delta “cần quan tâm” vì chúng dễ lây truyền hơn hoặc có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch.
Các nhà khoa học Viện Pasteur phối hợp với Quỹ BHYT Quốc gia Pháp (CNAM), Ipsos và Santé publique France, đã thực hiện một nghiên cứu bệnh chứng trên toàn quốc để đánh giá hiệu quả của vắc xin mRNA chống lại SARS-CoV-2.
Trong nghiên cứu này, 7.288 người bị nhiễm chủng gốc, 31.313 người bị nhiễm biến thể Alpha, 2.550 người bị nhiễm biến thể Beta và 3.644 đối chứng không bị nhiễm bệnh đã được kiểm tra từ tháng 2- 5/2021.
Kết quả cho thấy phác đồ tiêm chủng 2 liều vắc xin mRNA bảo vệ 88% (81-92) chống lại vi rút gốc, 86% (81-90) chống lại biến thể Alpha và 77% (71-90) chống lại biến thể Beta.
Không có sự khác biệt về hiệu quả của vắc xin giữa các nhóm tuổi, giới tính hoặc nghề nghiệp khác nhau. Kết quả của nghiên cứu này vừa được công bố trên Tạp chí The Lancet Regional Health Europe.
Cuối năm 2020, 2 biến thể mới Alpha và Beta của SARS-CoV-2 lần lượt xuất hiện ở Vương quốc Anh và Nam Phi.
Alpha hiện đã chứng tỏ khả năng lây truyền tăng nhanh so với SARS-CoV-2 ban đầu. Beta mang một đột biến được gọi là E484K và có liên quan đến việc né tránh miễn dịch.
“Những phân tích này xác nhận hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 và vai trò quan trọng của chúng trong việc giải quyết dịch bệnh”- GS. Arnaud Fontanet- Trưởng Phòng Dịch tễ học của Cơ quan Các bệnh mới nổi giải thích.
HẢI HUỲNH (Nguồn: MedicalXpress)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin