Tìm ra phương pháp lấy lại sụn trong khớp

06:01, 02/01/2021

Các nhà nghiên cứu ĐH Y khoa Stanford đã phát hiện ra một cách để tái tạo lớp đệm sụn trong khớp ở chuột và mô người.

(VLO) Các nhà nghiên cứu ĐH Y khoa Stanford đã phát hiện ra một cách để tái tạo lớp đệm sụn trong khớp ở chuột và mô người.

Việc mất lớp mô trơn và hấp thụ sốc này- hay gọi là sụn khớp- là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đau khớp và viêm khớp.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để tái tạo sụn khớp bằng cách: đầu tiên gây thương tích nhẹ cho mô khớp, sau đó sử dụng tín hiệu hóa học để điều khiển sự phát triển của tế bào gốc xương khi vết thương lành. Công trình vừa được xuất bản trên Tạp chí Nature Medicine.

PGS. TS Phẫu thuật Charles K.F. Chan cho biết: “Sụn thực tế không có khả năng tái tạo ở tuổi trưởng thành, vì vậy một khi nó bị thương hoặc mất đi, những gì chúng tôi có thể làm cho bệnh nhân là rất hạn chế. Thật vô cùng hài lòng khi tìm ra cách giúp cơ thể phục hồi mô quan trọng này”. 

Công trình này được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đây tại Stanford đã dẫn đến việc cô lập tế bào gốc của xương, một tế bào tự đổi mới cũng chịu trách nhiệm sản xuất xương, sụn và một loại tế bào đặc biệt giúp tế bào máu phát triển trong tủy xương.

Sụn khớp là một mô phức tạp và chuyên biệt, cung cấp một lớp đệm mềm mại và chắc chắn giữa các xương ở khớp. Khi lớp sụn này bị tổn thương do chấn thương, bệnh tật hoặc đơn giản là mỏng đi theo tuổi tác, xương có thể cọ xát trực tiếp vào nhau, gây đau và viêm, cuối cùng có thể dẫn đến viêm khớp.

Sụn bị hỏng có thể được điều trị thông qua một kỹ thuật gọi là microfracture, trong đó các lỗ nhỏ được khoan trên bề mặt của khớp. Kỹ thuật microfracture thúc đẩy cơ thể tạo ra mô mới trong khớp, nhưng mô mới không giống như sụn.

GS. Chan cho biết: “Phương pháp microfracture mang lại các sụn sợi, thực sự giống như mô sẹo hơn là sụn tự nhiên. Nó bao phủ xương nhưng nó không có độ nảy và độ đàn hồi của sụn tự nhiên nên có xu hướng thoái hóa tương đối nhanh”.

TUYẾT HUỲNH (Nguồn: journal Nature Medicine)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh