Công nghệ thông tin đang tạo nên nhiều cách để giúp công chúng tiếp cận với truyền thông và những thay đổi mạnh mẽ...
Ảnh minh họa: KT |
Công nghệ thông tin đang tạo nên nhiều cách để giúp công chúng tiếp cận với truyền thông và những thay đổi mạnh mẽ...
Công nghệ thông tin đang tạo nên nhiều cách để giúp công chúng tiếp cận với truyền thông, thậm chí công chúng còn có thể trở thành người cung cấp các “bài viết” khi mạng xã hội phát triển.
Với các công nghệ mới, phương tiện truyền thông mới đang có sức mạnh vượt ra ngoài các biện pháp quản lý hành chính, hay kỹ thuật của một quốc gia.
Điều này cho thấy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành báo chí đã có nhiều thay đổi: Từ cách thực hiện 1 tác phẩm báo chí, đến cách trải nghiệm 1 bài báo.
Tác phẩm báo chí đầu tiên được Tạp chí New York Times (Hoa Kỳ) thử nghiệm chuyển thể nội dung bằng hình thức thực tế ảo VR từ cách đây 5 năm đã được công chúng tham dự Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions năm 2016 đón nhận một cách hào hứng.
Khi ấy, Tạp chí đã gửi tặng cho 1 triệu độc giả những chiếc kính thực tế ảo, để có thể trải nghiệm nội dung báo chí một cách mới mẻ hơn, hình ảnh sống động, người xem dường như đang ở trong bộ phim này khi đeo kính VR.
Tác phẩm này có tên là “The Displaced” (tạm dịch là “Sự di tản”) được chuyển thể nội dung bằng hình thức thực tế ảo VR dựa trên ứng dụng NYT VR. Nhờ công nghệ thực tế ảo, câu chuyện về 3 trẻ em tị nạn phải rời bỏ quê hương, vì chiến tranh đã được cậu bé Chuol - 9 tuổi, ở miền Nam Sudan - kể lại ngắn gọn, nhưng dễ hình dung.
"Khi họ tấn công, chúng tôi phải chèo thuyền độc mộc trên đầm lầy, để trốn chạy. Chúng tôi có thể nhìn thấy cá sấu, và có thể bị cá sấu ăn thịt. Tuy nhiên, có khi điều đó còn tốt hơn so với bị giết bởi những kẻ cầm súng. Sáng hôm sau, tôi không thấy mẹ đâu nữa" - cậu bé Chuol chia sẻ.
Đoạn phim 360 VR của The New York Times chỉ dài khoảng 11 phút, nhưng phác hoạ rõ nét cảnh hoang tàn, đổ nát, cảnh sống trong các trại tị nạn của hơn 60.000 người trên khắp thế giới khi phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, mà trong đó có đến một nửa là trẻ em.
Công nghệ thực tế ảo đã lột tả chi tiết, sống động, những lớp học chỉ còn mỗi chiếc bảng đen với những chiếc bàn, ghế gãy nát, ngổn ngang trên sàn… hoặc ruộng dưa chuột nóng nực, mà hàng ngày các em phải làm việc từ 4h sáng. “Sự di tản” giành giải Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions được coi là Giải Oscar của ngành quảng cáo, sáng tạo.
Ông John Hegarty, nhà sáng lập BBH nhận xét trên Codigo TV rằng, công nghệ hiện đại sẽ không phát huy được hết tầm ảnh hưởng nếu không kết hợp hiệu quả với truyền thông.
Theo ông John: "Chúng tôi là một ngành công nghiệp lớn hiện nay. Nếu bạn thấy việc mở rộng sáng tạo toàn cầu là cần thiết, thì phải quan tâm đến truyền hình thực tế ảo, vì đó chính là một trong những phương tiện quan trọng nhất.
Khoảng 1 nửa thông tin chúng ta tiếp nhận hàng ngày là từ những đoạn video, clip có hình ảnh thực tế.
Công nghệ thực tế ảo sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng chính sự sáng tạo mới đem lại giá trị cho những sản phẩm công nghệ đó. Và ngành truyền thông cần vào cuộc sớm".
Với hiệu quả mang lại cho người dùng thông qua thực tế ảo VR, các nhà xuất bản có thể cung cấp cho người dùng một trải nghiệm nội dung hoàn toàn sống động. Đã có khá nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài thử nghiệm công nghệ thực tế ảo VR.
Ví dụ như kênh Truyền hình Discovery đã xây dựng ứng dụng Discovery VR. Người dùng có thể tải về từ App Store, Google Play sau đó đặt điện thoại thông minh vào trong Google Cardboard (chiếc hộp gắn kính thực tế ảo của Google), để trải nghiệm hàng loạt phim khám phá tự nhiên, thế giới kỳ bí....
Tạp chí Los Angeles Times của Mỹ, Nhật báo The Guardian của Anh, Hãng AP… cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo,.. để thay đổi cách trải nghiệm tác phẩm báo chí của công chúng.
Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cho rằng: "Tháng 1 năm 2015, Hãng Ap đã dùng máy để viết tin rồi. Dự đoán vào năm 2024, thì tất cả các phần dịch thuật là máy làm hết.
Hiện nay, có thiết bị gắn vào tai chúng ta, qua smartphone, thì chúng ta cứ việc nói ngôn ngữ của chúng ta, còn người nghe sẽ nghe bằng ngôn ngữ người ta lựa chọn và việc này đã đi vào cuộc sống.
Năm 2026 robot sẽ viết được những bài ở cấp độ học sinh, tương đương như người. Năm 2051, thì tất các công việc của con người, máy móc sẽ thay thế nhờ trí tuệ nhân tạo".
Hiện tại, ở nước ta đã có nhiều cơ quan truyền thông cũng đã ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, để có thể chuyển giọng nói thành văn bản, hoặc chuyển từ văn bản thành giọng nói và được coi là những công việc tương đối đơn giản, lặp đi lặp lại.
"Chúng tôi vẫn sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất chương trình, đã sử dụng rất nhiều phần mềm, ứng dụng khác nhau để hỗ trợ công việc của mình.
Trí tuệ nhân tạo là một nấc thang tiến hoá trong hệ sinh thái công nghệ thông tin và bước đầu đang làm những công việc đơn giản, nói chung là những công việc có tính lặp cao" - ông Nguyễn Việt Phú - Phòng Khoa học Công nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã giúp cho cách thức đưa tin của Phóng viên, Nhà báo cũng thay đổi nhanh chóng. Nhà báo có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, với máy tính xách tay hay điện thoại di động kết nối Internet, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số…
Độc giả cũng có thể đọc báo bằng điện thoại thông minh, thậm chí có thể tự mình đăng các bài viết, bình luận hay video clip lên mạng… Sự tương tác bằng công nghệ giữa toà soạn và độc giả cũng trở nên dễ dàng hơn.
Do đó, khi báo chí đa phương tiện ngày càng phát triển, với nhiều công nghệ mới được ứng dụng, thì mỗi phóng viên, nhà báo cần phải thận trọng hơn khi tham gia các mạng xã hội. Đây cũng là những điểm cần chú ý khi công nghệ đang dần thay đổi cách hoạt động của ngành báo chí truyền thông.
Nhà báo Hoàng Minh Trí - Báo Công an Nhân dân chia sẻ: "Tự bảo vệ cá nhân của một nhà báo rất là quan trọng. Tức là các nhà báo cần tránh bị tấn công ở trên mạng, thì chúng ta nên quy hoạch trong việc chia sẻ thông tin, nên chia theo nhóm mà mình định danh rất cụ thể.
Ví dụ, chia sẻ con cái là với nhóm gia đình, hoặc là những câu chuyện mà cảm giác là chia sẻ được với bạn thân, thì chia sẻ trong nhóm bạn thân.
Bởi vì chúng ta đang quá hồn nhiên trong việc chia sẻ những câu chuyện đời tư, thói quen, ăn gì, ở đâu, với ai.. rồi chụp ảnh… post lên, thì bản thân chúng ta đang tự nộp các tư liệu về đời tư. Khi có việc xảy ra, những đối tượng sẽ lục ra một hành trình, cả một thói quen rất là dài và có thể tấn công chúng ta".
Trong trường hợp nhà báo, phóng viên bị xâm phạm quyền tác nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có thể gọi điện thoại đến Mạng lưới Bảo vệ An toàn tác nghiệp cho nhà báo theo số 0438 566 777, hoặc gửi thư đến địa chỉ email: baovetacnghiep@red.org.vn./.
Theo Mai Hạnh/VOV1
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin