Xâm nhập mặn ĐBSCL cao, thủy điện Trung Quốc khó xả nước

12:05, 10/05/2020

Dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong tháng 5/2020 vẫn ở mức cao, chuyên gia nhận định vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc là khó.

 

Dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong tháng 5/2020 vẫn ở mức cao, chuyên gia nhận định vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc là khó.

 ĐBSCL đối diện với hạn mặn kỷ lục trong nhiều năm.
ĐBSCL đối diện với hạn mặn kỷ lục trong nhiều năm.

Theo các cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 6-10/5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 1-2.

Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn thời kỳ từ ngày 21-30/4; riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn.

Chiều sâu ranh mặn 1g/lít trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 90-135km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 55- 70km; sông Hàm Luông 65- 85km; sông Hậu, Cổ Chiên 45- 50km; sông Cái Lớn 55- 60km.

Tương tự, chiều sâu ranh mặn 4g/lít trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80- 125km; phạm vi xâm nhập mặn tại các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 50- 55km; sông Hàm Luông 60- 75km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 35- 40km; sông Cái Lớn 45- 55km.

Vì thế, trong đợt mặn tiếp theo, từ ngày 8-15/5, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân ĐBSCL đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu, khạp để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây vừa qua.

(Theo chinhphu.vn)

Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng cho biết dựa trên các kết quả dự báo mưa trên lưu vực sông Mekong, kết hợp với tình hình sử dụng nước và dự báo chế độ triều, tổng lượng dòng chảy tới ĐBSCL qua 2 trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc dự kiến đạt khoảng 84% trung bình nhiều năm và xấp xỉ tổng lượng dòng chảy tháng 5/2016.

Trong khi đó, theo các chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019- 2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016.

Năm 2019, khu vực thượng nguồn Trung Quốc cũng hạn nặng, thiếu hụt tổng lượng mưa so với trung bình nhiều năm lên tới 34%, các hồ thủy điện Trung Quốc tích nước đến cuối tháng 12/2019 và xả nước tiết kiệm, lượng xả từ đầu mùa khô phổ biến dao động trong khoảng 800- 1.000 m3/s.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nhận định, vận hành gia tăng của các thủy điện Trung Quốc ở mức 2.300- 2.700 m3/s như các năm trước là khó, mức độ gia tăng được xem chỉ là tương tự như ở năm 2016 cùng thời đoạn. Dự báo dòng chảy tăng nhẹ ở tháng 5, mặn sẽ giảm dần từ đầu tháng 5.

Cơ quan chuyên môn dự báo năm 2020 là nước về ít ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường đã xảy ra sớm- ngay từ đầu tháng 12/2019- và có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng.

Vì vậy, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.

 Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, song con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn- lợ. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

(Theo chinhphu.vn)

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh