Trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn lớn do dịch Covid-19, công nghệ lại là điểm sáng hiếm hoi khi tăng vọt về nhu cầu.
Trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn lớn do dịch Covid-19, công nghệ lại là điểm sáng hiếm hoi khi tăng vọt về nhu cầu.
Theo số liệu Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông), lưu lượng truy cập internet tại Việt Nam trong tháng 3/2020 đã tăng mạnh so với tháng trước tới 40%. Dự kiến, lưu lượng truy cập trong tháng 4 này còn tăng mạnh hơn nữa.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhu cầu làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, giải trí... tăng mạnh.
Nhờ đó, hàng loạt các ứng dụng phục vụ cho việc học tập và làm việc trực tuyến cũng được nhiều người biết đến hơn, với sự tăng vọt lượng truy cập. Tuy nhiên, đây cũng được xem là "con dao" 2 lưỡi, mà các nhà phát triển ứng dụng đang phải nỗ lực tìm hướng giải quyết.
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, giải trí... tăng mạnh. |
Khổ vì khách hàng đổ xô vào
Zoom là một trong những ứng dụng miễn phí được nhiều trường học cũng như các doanh nghiệp nhỏ lựa chọn để dạy học hay họp trực tuyến, nhất là kể từ thời điểm thực hiện giãn cách xã hội (1/4). Thế nhưng vì vậy, đường truyền và chất lượng truy cập cũng kém đi trông thấy.
Anh Nguyễn Tiến Hưng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, lớp con anh đã thử nghiệm việc dạy học qua Zoom từ tuần trước khá ổn, nhưng đến tuần này riêng việc trục trặc kỹ thuật với chất lượng hình ảnh, tiếng không tốt cũng chiếm quá nửa thời gian.
"Riêng việc điểm danh đầu giờ của các con. Cô gọi nhưng lúc nghe được, lúc không; Các con trả lời bài cũng ngọt nghẹt câu được câu chăng; Chưa kể hình ảnh chậm, mờ... khiến việc nói đi, thưa lại cho hiểu đúng ý nhau đã mất quá nửa thời gian", anh Hưng nói.
Không phải khách hàng cứ đổ xô tới là tình hình sẽ suôn sẻ. Zoom chính là một ví dụ thực tế khi dịch vụ gọi video và hội thảo trực tuyến này đang phải loay hoay tính toán mở rộng hạ tầng do số người dùng tăng quá đột biến.
Bên cạnh Zoom, trong tuần vừa rồi, cả Netflix, YouTube đều đã hạ chất lượng video tại châu Âu, để hạn chế nghẽn mạng do quá nhiều người dùng truy cập. Ngay mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh lượng truy cập khi việc giãn cách xã hội đang diễn ra tại hàng loạt các quốc gia.
Anh Nguyễn Tuấn Kiệt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ tình trạng chung hiện nay, mạng internet cứ đến tối là chập chờn (lag) do phải phục vụ lượng lớn nhu cầu từ học trực tuyến đến xem phim, truyền hình internet...
"Không chỉ riêng nhà tôi, nhiều bạn bè dùng các mạng khác nhau đều kêu ca tốc độ đường truyền bị chậm hơn. Buổi sáng còn ổn, chứ buổi tối thực sự phiền phức. Dù chỉ lướt Facebook thôi cũng chờ mướt mồ hôi mới tải nổi cái ảnh", anh Kiệt than phiền.
Giới công nghệ tìm cách ứng phó
Microsoft cho biết số lượng người dùng nền tảng công việc trực tuyến của hãng đã tăng đến 40% chỉ trong vòng 1 tuần. Amazon lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên do số đơn hàng tăng vọt. Đến cả Apple cũng vừa tung ra sản phẩm mới, dù vẫn đang phải đóng nhiều cửa hàng.
Tại Việt Nam, hai nhà mạng Viettel và VinaPhone vừa công bố hoàn thành việc tăng gấp đôi băng thông cùng các gói hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.
Chương trình được áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch. Ngoài ra, các nhà mạng cũng đưa một loạt ưu đãi gói cước cho tất cả thuê bao thuộc 2 nhóm: Một là đội ngũ phòng chống dịch đang ngày đêm làm việc tại các tuyến đầu trên cả nước và hai là người dân tại các khu cách ly./.
Theo Vân Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin