Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động đẩy nhanh triển khai thương mại hóa 5G nhằm mở "đường lớn" cho các dịch vụ trực tuyến.
Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động đẩy nhanh triển khai thương mại hóa 5G nhằm mở "đường lớn" cho các dịch vụ trực tuyến.
Cụ thể, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020 đã có Chỉ thị 13 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Bộ TT&TT đề nghị nhà mạng đẩy nhanh thương mại hóa 5G nhằm mở "đường lớn" cho các dịch vụ trực tuyến. (Ảnh minh họa: KT) |
Thực hiện Chỉ thị này, các cấp, ngành đang tăng cường, đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến như dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử, dạy và học trực tuyến, y tế từ xa, hội nghị, làm việc trực tuyến...
Do vậy, lưu lượng dữ liệu phát sinh từ các dịch vụ trực tuyến, nhu cầu lắp đặt thuê bao mới dự báo tăng trưởng đột biến; đồng thời dự báo sẽ có sự dịch chuyển nguồn lưu lượng về phía kết cuối thuê bao tại các hộ gia đình cũng như thay đổi về chu kỳ giờ bận, lưu lượng “đỉnh” trong ngày...
Lưu lượng truy cập tăng gấp rưỡi trong dịch Covid-19
Số liệu thống kê trong nước cho thấy lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian vừa qua.
Số liệu tham khảo từ các nước, khu vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy tăng trưởng đến 50% về lưu lượng truy cập các website, cá biệt tại các khu vực chịu cách ly, phong tỏa lưu lượng tháng 3/2020 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2/2020, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Để đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông trong tình hình mới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu từ các dịch vụ trực tuyến của các cấp, ngành và người dân, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng, mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế; tăng vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương nâng cấp, bảo đảm kết nối Internet băng rộng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống dịch Covid-19. Có phương án dự phòng cơ động để nhanh chóng bổ sung dung lượng, điểm kết nối internet cho các khu vực dân cư cách ly, phong tỏa.
Nghiên cứu phương án nâng băng thông, đường truyền với mức giá cước không đổi cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Đối với trường hợp khách hàng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống dịch bệnh chưa kịp thanh toán cước, nhà mạng có phương án tạm thời không ngắt kết nối trong 30 ngày.
Các doanh nghiệp viễn thông di động được yêu cầu cần sớm hoàn thiện các thủ tục, cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt.
Nghiên cứu, có phương án đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G tạo điều kiện phát triển các ứng dụng y tế từ xa, đào tạo trực tuyến, sản xuất thông minh...
Đồng thời, khẩn trương công bố vùng cung cấp dịch vụ dưới dạng bản đồ số kèm theo các giá trị tốc độ truy nhập internet và tiếp tục duy, đảm bảo chất lượng dịch vụ nhắn tin ngắn theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tính đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT và MobiFone trên địa bàn một số tỉnh, thành phố./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin