Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến triển khai giai đoạn hai của Dự án phát triển thành phố thông minh với mục tiêu có 30 đô thị tại 24 tỉnh tham gia trong năm 2019 và 100 đô thị tại 76 tỉnh và Bangkok.
Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến triển khai giai đoạn hai của Dự án phát triển thành phố thông minh với mục tiêu có 30 đô thị tại 24 tỉnh tham gia trong năm 2019 và 100 đô thị tại 76 tỉnh và Bangkok.
Thủ đô Bangkok (Thái Lan). (Nguồn: picswe.com) |
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến triển khai giai đoạn hai của Dự án phát triển thành phố thông minh với mục tiêu có 30 đô thị tại 24 tỉnh tham gia trong năm 2019 và 100 đô thị tại 76 tỉnh và thủ đô Bangkok tham gia vào năm 2022.
Chính phủ Thái Lan năm ngoái đã bắt đầu thực hiện dự án này, thí điểm tại 7 tỉnh là Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Bangkok, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao.
Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến kinh tế số thuộc Bộ Kinh tế số và xã hội, các địa phương thí điểm đã có những tiến bộ liên tục và việc thực hiện tại đây đã thu được những kết quả rõ ràng.
Theo kế hoạch, giai đoạn hai của dự án sẽ bao gồm 17 tỉnh, trong đó Chiang Rai, Phitsanulok, Udon Thani. Truyền thông sở tại ngày 2/7 đưa tin đã có thêm hai tỉnh nữa ở vùng Đông Bắc Thái Lan là Roi Et và Nakhon Ratchasima nộp đề nghị tham gia dự án.
Tại Thái Lan, Chính phủ thông qua Ủy ban Thành phố Thông minh Quốc gia đang hối thúc các tỉnh đệ trình những đề xuất đô thị thông minh. Những thành phố được phê duyệt sẽ được sử dụng biểu trưng Thành phố Thông minh Thái Lan và có thể xin những đặc quyền đầu tư từ Ủy ban Đầu tư.
Việc biến đổi thành đô thị thông minh có thể liên quan đến 1 hoặc 7 tiêu chí là kinh tế, đi lại, năng lượng, đời sống, người dân, quản trị và môi trường. Các tỉnh đáp ứng những quy định liên quan đến dự án nói trên sẽ được cấp chứng nhận, một đặc quyền khiến họ có thể tham gia các dự án đầu tư và những khuôn khổ hợp tác khác.
Việc phát triển các thành phố thông minh trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Thái Lan với mục tiêu là thúc đẩy nền kinh tế số và đưa nước này thành quốc gia có thu nhập cao.
Song song với việc tích cực thúc đẩy phát triển các thành phố thông minh ở trong nước, Chính phủ Thái Lan mới đây cũng thông qua các kế hoạch hành động của Bộ Kinh tế và Xã hội số để thu hút các nước ngoài ASEAN hợp tác và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thành phố thông minh thuộc Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN (ASCN).
Kế hoạch trên, nhằm phát triển 26 thành phố thông minh ở 10 quốc gia nội khối ASEAN, sẽ tập trung vào các nước có năng lực và sở trường về công nghệ mới như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở địa phương trông đợi sẽ được hưởng lợi từ hệ thống sinh thái kinh doanh kết nối của ASCN, do Thái Lan đang dẫn đầu vào năm nay với tư cách Chủ tịch ASEAN.
ASCN là một sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2018 tại Singapore, với mục tiêu chung là tạo ra các thành phố thông minh bền vững, thúc đẩy chất lượng cuộc sống ở ASEAN thông qua công nghệ và sáng tạo.
Sáng kiến trên cũng hướng tới đối phó với các vấn đề đô thị hóa như tắc nghẽn giao thông, chất lượng nước, không khí kém, nghèo đói, gia tăng bất bình đẳng, chênh lệch chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, cũng như đảm bảo an ninh. Để trở thành một thành phố thông minh, các địa phương phải cải tạo cơ sở hạ tầng, kết nối dữ liệu, các hệ thống công nghệ và văn hóa.
Trong 26 thành phố nằm trong ASCN, Việt Nam có Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đầu tiên của 26 thành phố thông minhASEAN này sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới tại Thái Lan để thảo luận về các mô hình và chia sẻ kinh nghiệm./.
Theo Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin