Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thay đổi nhận thức nông dân

08:07, 04/07/2019

Việc nông dân xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi hộ để xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kín trồng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn để cùng với nhà nước cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế trên địa bàn đã góp phần mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này.

Việc nông dân xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi hộ để xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kín trồng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn để cùng với nhà nước cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế trên địa bàn đã góp phần mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này.

Hướng đi mới

Nói đến khu vực biên giới, người ta thường nghĩ đến hình ảnh buôn lậu thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, rượu, bia cùng nhiều mặt hàng khác như: gỗ, quần áo may sẵn, đồ điện máy...

Nghĩ thế không sai, bởi tại khu vực biên giới trước đây, do mãi lực của đồng tiền, một số người dân sống ở đây tham gia đai vác thuốc lá lậu và đường cát qua biên giới để mưu sinh cuộc sống. Song, đó chỉ là con số rất nhỏ so với bức tranh thực tế sinh động đang diễn ra tại khu vực này.

Ngày nay, bên cạnh việc trồng lúa, hoa màu, người dân vùng biên giới TX. Tân Châu (bao gồm các xã: Vĩnh Xương, Phú Lộc, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa) đang cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế.

Bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, cuộc sống từng bước được nâng lên.

Hiện ở khu vực biên giới TX. Tân Châu đã có 680ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng những sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn. Cây dưa lưới, cà chua bi, dưa leo bi và những vườn rau thủy canh là một trong những điển hình.

Đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, trước hết phải kể đến mô hình của ông Hồ Thanh Tuấn (ấp 5, xã Vĩnh Xương). Hưởng ứng chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, năm 2018, ông Tuấn đầu tư nhà màng. Khởi điểm, ông chỉ xây dựng nhà màng trên diện tích 1.000m2, trồng thử cây dưa lưới.

Trước khi trồng, ông Tuấn đã tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, tham gia các diễn đàn nông dân để rút kinh nghiệm. Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 8-2018, ông Tuấn quyết định tập trung nguồn lực để thực hiện dự án và thành công đến với ông ngay vụ dưa đầu tiên.

Lợi nhuận cao

“Mỗi nhà màng xây dựng trên diện tích 1.000m2, bình quân chi phí bỏ ra thấp nhất là 50 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn, ban đầu tôi rất lo. Vì trồng ra sản phẩm có tiêu thụ được hay không, khi thị trường hiện nay có quá nhiều người đang thực hiện mô hình này.

Rồi, thổ nhưỡng, khí hậu vùng biên giới này có phù hợp với cây dưa lưới hay không, trong khi tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt. Khi chưa xuống giống, giá dưa được thương lái thu mua 31.000 đồng/kg nhưng đến khi thu hoạch, không biết giá dưa có còn giữ được mức đó” - ông Tuấn thông tin.

Sau thời gian suy nghĩ, ông Tuấn mang những trăn trở đó tâm sự cùng chính quyền địa phương và những người trong “Group” nông dân trồng dưa lưới của ông. Giải tỏa những trăn trở này, ông đã tổ chức nhiều chuyến đi để tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; học hỏi kỹ thuật từ các nhà khoa học, những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở các tỉnh ĐBSCL, Bình Dương, Bình Phước…

Cuối cùng, ông đã tìm được Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) là đơn vị bao tiêu sản phẩm đầu ra cho cây dưa lưới của ông. Vụ sản xuất đầu tiên, ông trồng đạt 3 tấn dưa/1.000m2 nhà màng, vụ đó ông đạt doanh thu 93 triệu đồng chỉ trong vòng 75 ngày.

“Cây dưa lưới cho hiệu quả kinh tế rất cao, song để đạt được thành công đòi hỏi phải có kỹ thuật canh tác, nguồn vốn và phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, để khi đến thời điểm thu hoạch, không phải “chạy” tìm thương lái” - ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài cây dưa lưới, đã có nhiều trang trại trồng xoài xuất khẩu, góp phần chuyển dịch lao động, ngành nghề ở xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)

Ở biên giới Tân Châu ngày nay, ngoài cây dưa lưới trồng theo hướng công nghệ cao (trồng trong nhà màng, tưới nhỏ giọt) còn có cây xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Keo.

Trái các loại xoài này được bao bọc kỹ, việc tưới nước, bón phân được áp dụng bằng hình thức tưới nhỏ giọt. Chính điều này đã làm cho nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sau mỗi vụ sản xuất.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thật sự làm thay đổi nhận thức của nông dân ở vùng biên giới, từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi ngành nghề của người dân địa phương. Số hộ trước đây tham gia đai vác thuốc lá, đường cát nhập lậu, nay đã chuyển sang làm công nhân nông nghiệp tại các trang trại, mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập người dân vùng đất này.

“Kể từ khi nông dân vùng biên giới mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, điều dễ nhận ra là đời sống bà con khấm khá hẳn lên, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Nhiều mô hình sản xuất mới, tiên phong ra đời góp phần giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển dịch ngành nghề tại địa phương” - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân ChâuLê Trọng Oanh phân tích

Theo Báo An Giang

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh