Mỹ thúc đẩy kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024

07:06, 01/06/2019

Lần đầu tiên kể từ những năm 1970 của thế kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa các thiết bị khoa học lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2020 và 2021, hướng tới đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 trong dự án Artemis đầy tham vọng.

Lần đầu tiên kể từ những năm 1970 của thế kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa các thiết bị khoa học lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2020 và 2021, hướng tới đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 trong dự án Artemis đầy tham vọng.

 Mặt trăng nhìn từ Los Angeles, Mỹ, ngày 20/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặt trăng nhìn từ Los Angeles, Mỹ, ngày 20/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chọn ba công ty Mỹ là Astrobotic, Intuitive Machines và Orbit Beyond làm đối tác trong dự án này. Với các hợp đồng 77 triệu - 97 triệu USD, những công ty trên có nhiệm vụ phát triển các tàu đổ bộ Mặt Trăng với kích cỡ và hình dạng khác nhau, trong đó một tàu yêu cầu phải có chiều cao và hai cái kia nhỏ gọn hơn. Các tàu đổ bộ sẽ mang theo 23 thiết bị của NASA, trong đó bao gồm cả thiết bị thu thông tin để hỗ trợ các phi hành gia hạ cánh, định hướng và bảo vệ bản thân khỏi bức xạ.

Theo kế hoạch, tàu của Orbit Beyond sẽ đáp xuống khu vực Mare Imbrium của Mặt Trăng vào tháng 9/2020, trong khi Intuitive Machines sẽ "ghé thăm chị Hằng" vào tháng 7/2021 tại Oceanous Procellarum - một điểm tối trên Mặt Trăng có thể quan sát được từ Trái Đất, còn Astrobotic sẽ hướng tới khu vực Lacus Mortis cùng thời gian này. Orbit Beyond và Intuitive Machines sẽ được phóng lên quỹ đạo nhờ tên lửa Falcon 9 của SpaceX, trong khi Astrobotic vẫn chưa được xác định sẽ đi kèm tên lửa nào.

Một quan chức của NASA - ông Jim Bridenstine cho biết: "Trong năm tới, những nghiên cứu khoa học và sáng kiến công nghệ của chúng tôi sẽ được ứng dụng đối với bề mặt Mặt Trăng, nhằm hiện thực hóa kế hoạch đưa người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo tới Mặt Trăng trong vòng 5 năm. Đầu tư vào các dịch vụ vũ trụ như thế này cũng là một bước tiến mạnh mẽ khác để xây dựng một nền kinh tế không gian thương mại vượt ra ngoài quỹ đạo thấp của Trái Đất".

Lần gần đây nhất Mỹ điều phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 1972 - năm đánh dấu nhiệm vụ cuối cùng của tàu vũ trụ Apollo. NASA vẫn thường xuyên đưa tàu thăm dò Mặt Trăng lên quỹ đạo, nhưng hiện tại chỉ còn hai tàu thực hiện nhiệm vụ, đó là tàu Lunar Reconnaissance Orbiter và tàu ARTEMIS.
Trong khi đó, các tàu vũ trụ của Trung Quốc cũng từng 2 lần đáp xuống Mặt Trăng, đó là vào năm 2013 và hồi tháng 1/2019 (ở bề mặt tối của Mặt Trăng). Tàu thăm dò Hằng Nga - 4 (Chang'e 4) và robot tự hành Yutu-2 của Trung Quốc hiện là những thiết bị thăm dò duy nhất đang hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng.

Theo Thanh Phương (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh