Robot đang dần thay thế con người và để thích nghi trong thời đại 4.0 người lao động cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết
Robot đang dần thay thế con người và để thích nghi trong thời đại 4.0 người lao động cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết
Nghiên cứu "Cuộc cách mạng kỹ năng 4.0: Robot cần chúng ta" do ManpowerGroup tiến hành trên 19.000 nhà tuyển dụng (NTD) tại 44 quốc gia cho thấy có đến 87% NTD toàn cầu lên kế hoạch gia tăng hoặc duy trì số nhân viên trong 3 năm qua do ứng dụng tự động hóa. Như vậy, theo kết quả khảo sát, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã không khép lại cơ hội việc làm cho lao động toàn cầu.
Công nghệ cao hút nhân tài
Hiện các doanh nghiệp (DN) áp dụng số hóa ngày càng tăng và điều này cũng tỉ lệ thuận với sự gia tăng số lượng công việc, bao gồm công việc mới. Các DN đã và đang áp dụng tự động hóa rất tự tin gia tăng số lượng tuyển dụng. Đặc biệt, khi tình trạng thiếu hụt nhân tài tăng cao nhất trong 12 năm qua, càng nhiều kỹ năng mới xuất hiện.
Thực tế nhiều DN lên kế hoạch xây dựng nguồn nhân tài và điều này chưa có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, có đến 84% NTD lên kế hoạch nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình vào năm 2020 và một chiến lược dài hơi cho những năm tiếp theo.
Robot sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn khi người lao động có đủ kỹ năng để điều khiển chúng |
Theo anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (Củ Chi, TP HCM), trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục tăng cao do công ty ứng dụng các dây chuyền tự động hóa.
Anh Hiếu giải thích khi DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất, việc cần nhân lực đáp ứng đủ các yêu cầu vận hành máy móc là cần thiết. Điều đó đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải tự nâng cao tay nghề của mình, phải học cách điều khiển máy móc để nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm do mình làm ra.
"Tâm lý lo ngại robot lấy đi việc làm của con người khiến không ít NLĐ bị phân tâm. Đúng là ngày càng nhiều robot được bổ sung vào dây chuyền sản xuất nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực cũng không hề giảm.
Việc DN ứng dụng công nghệ cao là không thể tránh khỏi nhưng trách nhiệm của chúng ta là tìm ra cách phối hợp hài hòa giữa con người và máy móc. Nếu chúng ta tập trung nâng cao kỹ năng cho NLĐ một cách nhanh chóng, thiết thực và trên quy mô lớn, các tổ chức và cá nhân sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng máy móc và công nghệ trong kỷ nguyên 4.0" - anh Hiếu bày tỏ.
Trang bị kỹ năng mềm
Trong thời đại công nghệ, khi tự động hóa và máy móc làm tốt hơn các công việc lặp đi lặp lại của NLĐ, các NTD luôn đánh giá cao kỹ năng mềm của ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
Có thể thấy các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện… đang trở nên rất quan trọng trong thời đại số vì DN rất khó tìm được người có những kỹ năng này. Nghiên cứu cho thấy 38% tổ chức cho biết việc đào tạo kỹ năng chuyên môn không hề đơn giản nhưng có đến 43% DN cho rằng đào tạo các kỹ năng mềm cần thiết và rất khó.
Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng vào năm 2022, khoảng 54% nhân viên tại các DN cần được đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng. Trong số đó, khoảng 35% sẽ được tham gia các khóa đào tạo 6 tháng, 9% tham gia khóa đào tạo 1 năm và 10% được đào tạo thêm kỹ năng kéo dài hơn 1 năm.
Các vị trí nhân viên tuyến trên và làm việc trực tiếp với khách hàng (nhân viên lễ tân, chăm sóc khách hàng) cũng có xu hướng tăng. Tất cả vị trí này đều yêu cầu kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, lãnh đạo và thích nghi.
"DN, Chính phủ và các cơ sở đào tạo cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết, thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của lực lượng lao động Việt Nam" - ông Simon Matthews gợi ý.
Một chuyên gia về đào tạo nguồn nhân lực cho biết người Việt đã quen với cách đào tạo trong trường lớp, có giảng viên hướng dẫn… mà rất ít tự học. Cho nên chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ về đào tạo, nên tự tìm hiểu kiến thức không chỉ từ trường lớp, người khác mà còn trên các nền tảng kỹ thuật số, các chương trình đào tạo trực tuyến…
Là người có nhiều năm gia công cơ khí cho Nhật Bản, anh Lê Tú, nhân viên Công ty Cơ khí chính xác Tân Tiến (quận Tân Bình, TP HCM), nhìn nhận tự học là cách mà anh và các đồng nghiệp luôn nhận được sự tin tưởng của các đối tác khó tính. "Chúng tôi gần như tự học một khi nhận được các hợp đồng mới.
Máy móc là trợ thủ đắc lực không thể thiếu đối với nghề cơ khí. Tuy nhiên, con người là quan trọng bậc nhất của nghề này. Trong đó, kỹ năng nghề nghiệp là điều quyết định chất lượng sản phẩm. Tất cả kỹ năng chúng tôi có được là nhờ học qua YouTube" - anh Tú bộc bạch.
Theo GIANG NAM/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin