Sợ lây phần mềm gián điệp, Vietcombank siết giao dịch trực tuyến

11:06, 04/06/2018

Vietcombank vừa thông báo ngừng cung cấp dịch vụ VCB-iB@nking đối với các máy tính cài đặt trình duyệt và hệ điều hành phiên bản cũ không còn được hỗ trợ nhằm tránh nguy cơ bị lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã độc… Techcombank cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua kênh chuyển tiền Western Union.

Vietcombank vừa thông báo ngừng cung cấp dịch vụ VCB-iB@nking đối với các máy tính cài đặt trình duyệt và hệ điều hành phiên bản cũ không còn được hỗ trợ nhằm tránh nguy cơ bị lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã độc… Techcombank cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua kênh chuyển tiền Western Union.

Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ VCB-iB@nking đối với các máy tính đang cài đặt trình duyệt Internet Explorer - IE (mọi phiên bản) trên hệ điều hành Windows XP hoặc trình duyệt IE phiên bản 7 trở về trước trên hệ điều hành Windows 7, 8 và 8.1.

Trường hợp khách hàng đang sử dụng các trình duyệt IE tương ứng với các hệ điều hành nói trên, cần nâng cấp lên phiên bản mới nhất (hiện tại là IE 11), chuyển sang sử dụng các trình duyệt khác như Microsoft Edge, Mozilla Firefox, Google Chrome… phiên bản mới nhất hoặc nâng cấp lên hệ điều hành mới hơn (Windows 7, 8 hoặc 10) để tránh gián đoạn trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Đối với các máy tính đang cài đặt trình duyệt IE 8, 9, 10 trên hệ điều hành Windows 7, 8, để tiếp tục sử dụng dịch vụ, người dùng cần kích hoạt giao thức bảo mật TLS (Transport layer security) phiên bản 1.1 và 1.2 nhằm giúp bảo mật thông tin dữ liệu trên máy tính khi truy cập website NH.

Theo Vietcombank, việc tiếp tục sử dụng hệ điều hành và các trình duyệt không còn được nhà cung cấp hỗ trợ có thể phải đối mặt với nguy cơ máy tính bị lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã độc, dẫn đến việc trong quá trình sử dụng máy tính có thể gặp phải các vấn đề phát sinh.

Cụ thể, ứng dụng bị gián đoạn hoạt động bất thường, các dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng lưu giữ trên máy hoặc thậm chí trong quá trình thao tác bị thất thoát...

Vietcombank tiếp tục siết giao dịch ngân hàng trực tuyến để phòng ngừa rủi ro. Ảnh: Linh Anh
Vietcombank tiếp tục siết giao dịch ngân hàng trực tuyến để phòng ngừa rủi ro. Ảnh: Linh Anh

Để phòng tránh nguy cơ máy tính bị nhiễm mã độc, phần mềm gián điệp…, Vietcombank khuyến cáo khách hàng luôn sử dụng các hệ điều hành và trình duyệt mới nhất để truy cập và thực hiện các giao dịch NH trực tuyến;

thường xuyên cập nhật các phần mềm chống virus, chương trình vá lỗi và bảo mật tương ứng với từng trình duyệt và hệ điều hành.

Trong khi đó, NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa gửi email đến từng khách hàng cá nhân, khuyến cáo tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng hình thức giả mạo kênh Western Union sau khi phát hiện nhiều trường hợp kẻ gian thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền rất tinh vi qua kênh chuyển tiền này.

Theo đó, kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo Techcombank đến điện thoại của khách hàng với nội dung "khách hàng đã nhận được tiền từ dịch vụ chuyển tiền Western Union" hoặc các dịch vụ tương tự. Sau đó, kẻ gian yêu cầu khách hàng đăng nhập vào website giả mạo để xác nhận.

Từ đó, kẻ gian sẽ lấy cắp mật khẩu, mã OTP thực hiện đăng nhập vào tài khoản của khách hàng để đăng nhập trên NH trực tuyến của Techcombank và chiếm đoạt tiền.

Techcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhập tên truy cập, mật khẩu, mã OTP, mã PIN… cho bất kỳ website nào ngoài các cổng NH trực tuyến chính thức của NH nhằm tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Gần đây, các NH thương mại liên tục phát đi cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dùng dịch vụ NH trực tuyến (Internet Banking, Mobile Banking), máy ATM…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang là vùng trũng của tội phạm thẻ do chưa chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip để có độ bảo mật cao hơn. Quá trình chuyển đổi khoảng 70 triệu thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip đang được các NH thương mại triển khai và theo yêu cầu của NH Nhà nước đến năm 2020 phải hoàn tất.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh