Bất chấp những nỗ lực của nhân loại, nhiều loài sinh vật vẫn cứ bị đe dọa tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân. Sự biến mất trong một ngày nào đó của chúng sẽ gây thiệt hại không ít cho cuộc sống chúng ta.
Bất chấp những nỗ lực của nhân loại, nhiều loài sinh vật vẫn cứ bị đe dọa tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân. Sự biến mất trong một ngày nào đó của chúng sẽ gây thiệt hại không ít cho cuộc sống chúng ta.
1. Ong mật
Tên khoa học: Apis mellifera. Kích thước: 11 - 13 mm (ong thợ), 15 - 20 mm (ong chúa). Một tổ ong chứa tối đa 60.000 cá thể.
Đây là loài ong phổ biến nhất vì chúng sản xuất ra mật mà chúng ta sử dụng. Nhưng hiện nay tại Pháp, chúng chết bất thường và ngày càng nhiều, khiến những nhà nuôi ong nước này lên tiếng báo động.
Chúng chết là do bị nhiễm chất neonicotinoid gây hại thần kinh trong thuốc diệt cỏ phun trên các cánh đồng. Dân số các đàn ong giảm là một mối nguy cho hệ sinh thái vì ong là nhân tố chính giúp thụ phấn cho cây.
Tính trên toàn thế giới, những "dịch vụ thụ phấn" mà ong đảm đương trong tự nhiên được định giá đến 154 tỉ euro mỗi năm.
2. Chim bói cá
Tên khoa học: Alcedo atthis. Chiều dài: 18 - 19 cm, sải cánh: 30 - 36 cm. Trọng lượng trung bình: 26 - 50 g.
Loài chim bói cá châu Âu này rất dễ nhận diện qua màu sắc đặc trưng của bộ lông. Chúng sống gần các nơi có nước chảy lẫn nước tù và bị nhiễm nguồn nước ô nhiễm ngày càng nhiều, kể cả do việc tháo nước của con người khiến nguồn cá bị sụt giảm nghiêm trọng do diện tích những khu vực ẩm ướt ngày càng thu hẹp. Tính từ năm 2001 cho đến nay, dân số chim bói cá này đã giảm đi 50%.
3. Chim sẻ đồng
Tên khoa học: Alauda arvensis. Chiều dài: 18 - 19 cm, sải cánh: 30 - 36 cm. Trọng lượng: 26 - 50 g.
Dân số loài chim này tại châu Âu đã giảm 20% trong vòng 15 năm. Là một loài chim xây tổ trên mặt đất và ăn sâu bọ mà chúng bới tìm trong đất, chim sẻ đồng này bị nguy cấp từ hoạt động nông nghiệp gia tăng của con người, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ quá nhiều, và chăn thả súc vật quá nhiều tại những nơi chúng làm tổ.
4. Dơi muỗi
Tên khoa học: Pipistrellus pipistrellus. Chiều dài: 3,6 - 5,1 cm, sải cánh: 18 - 24 cm. Trọng lượng: 3 - 8 g.
Loài dơi này có mặt hầu như khắp nơi, ở cả những khu vực đô thị dân cư đông đúc. Hiện nay chúng bị đe dọa do nơi trú ngụ ngày càng ít đi khi nhà cửa của con người được xây mới ngày càng nhiều và việc khai thác rừng làm làm mất đi những cây gỗ già mà chúng thường sinh sống trên đó. Dân số của loài dơi này tại châu Âu đã giảm gần 40% trong vòng 10 năm.
5. Giun đất
Tên khoa học: Allolobophora rosea. Chiều dài: 4 - 7 cm. Trọng lượng: 1,5 - 3 g.
Trước kia, các nhà khoa học không quan tâm đến những "con trùn" này. Nay thì, mọi người đều biết đây là những "kỹ sư" canh tác giúp đất đai màu mỡ và thực vật phát triển một cách tự nhiên. Song, hiện nay lại chính các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan đã giết chết chúng rất nhiều.
6. Chuồn chuồn kim
Tên khoa học: Nehalennia speciosa. Chiều dài: 19 - 23 mm.
Loài chuồn chuồn nhỏ bé xinh xắn này sống chủ yếu trong các đầm lầy ao hồ, nhưng chúng đã biến mất tại Bỉ và Luxembourg và đang bị đe dọa diệt vong tại Pháp và Đức. Nguyên nhân chính là do khô hạn từ việc tháo nước ra khỏi đồng, do ô nhiễm môi trường sống và biến đổi khí hậu nóng lên.
7. Chuột hamster
Tên khoa học: Cricetus cricetus. Chiều dài tính cả đuôi: 19,8 - 25,5 cm.
Tên của loài vật này đã được đưa vào sách đỏ vì chúng có nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động khai thác nông nghiệp ngày càng gia tăng của con người theo hình thức độc canh dẫn đến giảm đa dạng sinh học và tần suất thu hoạch mùa màng ngày càng cao.
Năm 2007, nước Pháp đã có kế hoạch hành động để bảo vệ loài này, và đến năm 2017, nước Pháp đếm được không đến 1.500 cá thể cần thiết để loài chuột hamster này còn duy trì được nòi giống.
8. Thỏ hoang
Tên khoa học: Oryctolagus cuniculus. Chiều dài: 45 cm. Trọng lượng: 2 kg.
Đây là loài vật có hại nhiều hơn là có lợi, nhưng dân số chúng đã giảm đi rất nhiều khiến giới khoa học và các nhà sinh vật học lo ngại. Chúng đã bị giết quá nhiều và hiện nay nơi ở của chúng bị giảm đi đáng kể do hoạt động khai thác nông nghiệp của con người tăng nhanh làm thay đổi môi trường sống cố hữu của chúng.
9. Cá nhà táng
Tên khoa học: Physeter macrocephalus. Chiều dài: 15 - 18 m (con đực), 10 - 13 m (con cái). Trọng lượng: 30 - 40 tấn (con đực) ; 10 - 15 tấn (con cái).
Với cái đầu "quá khổ", cá nhà táng sống tại những vùng nước sâu giữa đại dương, nhưng chúng phải đang đứng trước nguy cơ diệt vong do bị đánh bắt vì nhu cầu thương mại trong quá khứ. Một lệnh cấm đánh bắt loài này được đưa ra vào năm 1982.
Hiện nay, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của cá nhà táng là do ô nhiễm môi trường biển và do chúng ăn phải một lượng lớn các loại rác thải bằng nhựa và kim loại mà con người vất tràn lan xuống biển.
10. Rắn lục vằn
Tên khoa học: Vipera berus. Chiều dài có thể đến 65 cm.
Đây là một trong những loài rắn có số phận rất mong manh tại châu Âu do môi trường sống bị cô lập và bị phá hủy từ những bờ bao quanh đồng. Số lượng loài rắn này tại Pháp đã giảm hơn 30% trong vòng ba thế hệ của loài, tức trong khoảng thời gian 25 - 30. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến sự tồn vong của loài rắn này bị đe dọa.
11. Những vùng đất ngập nước
Tại Pháp, những vùng đất ngập nước chiếm hơn 3,5 triệu hecta và là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loài sinh vật thủy sinh, những động vật trên cạn như chồn hay chuột đồng và chim nước.
Đây cũng là những nơi có chức năng lọc sạch nước nhưng đang bị hủy hoại một cách đáng lo ngại từ hoạt động nông nghiệp quá mức và quá trình đô thị hóa nhanh của con người, dẫn đến việc hình thành những bãi bồi nhân tạo và những bãi rác sinh hoạt.
12. Cây hổ nhĩ (tai hùm)
Tên khoa học: Saxifraga hirculus. Chiều cao: 25 - 30 cm.
Loài thực vật có hoa vàng này đang ngày càng biến mất trên khắp châu Âu do diện tích đầm lầy ngày càng thu hẹp từ hoạt động tháo nước để trồng trọt, kể cả việc ô nhiễm nguồn nước và các hình thức chăn thả gia súc tự nhiên giảm đi. Loài cây này được nước Pháp lên kế hoạch bảo vệ từ năm 2012.
13. Cá chình
Tên khoa học: Anguilla anguilla. Chiều dài có thể đến 1 mét.
Là loài cá có thân dài như rắn và hàm dưới dài hơn hàm trên, số cá chình châu Âu đã giảm 95 - 99 % từ năm 1970 đến nay do môi trường sống bị ô nhiễm và các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu khiến hệ miễn dịch của chúng bị yếu đi.
Là một loài cá di cư để sinh sản, quãng đường của cá chình giữa sông và biển thường bị các đập nước chặn lại. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường sống thiên nhiên của cá chình.
14. Nhím
Tên khoa học: Erinaceus europaeus. Chiều dài: 20 - 30 cm.
Loài động vật có gai nhọn, sống trên mặt đất và ăn côn trùng này được đưa vào danh sách loài được bảo vệ từ năm 1981. Nhưng tại Anh, dân số loài nhím đã giảm đi 30% trong vòng 20 năm, từ số lượng 1,5 triệu cá thể vào năm 1995 xuống dưới 1 triệu năm 2015.
Loài nhím chết nhiều nhất là do bị xe cán khi băng qua các tuyến đường liên tỉnh, với con số ước tính đến khoảng 1,8 triệu con bị xe cán mỗi năm. Nhím cũng bị chết do ăn phải những côn trùng bị nhiễm thuốc trừ sâu của con người.
15. Cây hoa chuông Tiare Apetahi
Tên khoa học: Apetahia raiateensis. Loài cây bụi cao từ 25 cm đến 2 m.
Hoa của loài cây này có 5 cánh như hình một bàn tay và là một biểu tượng văn hóa của xứ Tahiti trên Thái Bình Dương. Loài cây này chỉ phát triển được trên đảo Raiatea thuộc quần đảo Polynesia thuộc Pháp, mọi nỗ lực của con người khi đem chúng sang các đảo khác để trồng đều thất bại.
Cây này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là do nó quá… đẹp, nên bị hái quá nhiều trong suốt nhiều thập niên qua. Trong vòng 20 năm, từ năm 1995 đến 2015, 80% số lượng cây tiare apetahi đã biến mất.
Môi trường sống của loài cây này cũng bị nhiều loài thực vật xâm chiếm khác hủy hoại, kể cả các loài thú hoang như chuột và heo rừng đào bới rễ. Cây tiare apetahi có khả năng sống lâu và phát triển rất chậm nên cũng phần nào chống chọi được những tác hại từ môi trường và từ con người.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin