Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, UBND huyện Mang Thít cũng đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, UBND huyện Mang Thít cũng đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Xây dựng nông nghiệp bền vững, hiệu quả
Chị Cao Thúy An mong muốn chuyển giao công nghệ, tiến tới bao tiêu sản phẩm sạch cho nông dân. |
Giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Mang Thít đã xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh để đầu tư, trong đó sẽ hỗ trợ đầu tư sản xuất những đối tượng có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu và cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, sẽ thực hiện cơ cấu lại nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với sản xuất và xây dựng vùng chuyên canh chủ lực.
Ông cho biết: “Ngành sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ (KH-CN) phù hợp vào sản xuất, từng bước tiến tới nông nghiệp công nghệ cao…”.
Trong khi đó, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng sẽ mở rộng các hình thức đào tạo gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất cho nông dân.
Qua đó cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Trong giai đoạn 2021- 2030, huyện sẽ cố gắng phấn đấu để giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản tăng bình quân 2- 2,5% so với giai đoạn trước đó; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, đến năm 2025, toàn huyện sẽ có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Đến năm 2030, sẽ có 12/12 xã đạt nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để hoàn thành kế hoạch, theo ông Trương Tấn Được, hiện ngành tập trung hỗ trợ và chuyển giao KH- CN cho nông dân, và đã có nhiều mô hình được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện nay, huyện đã có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó đã có một số chuyển biến tích cực đối với nông dân về đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới cho nông nghiệp”- ông Được chia sẻ.
Bên cạnh đó, để mang lại hiệu quả cho đề án, ngành cũng đã tham mưu cho UBND huyện về xây dựng các vùng chuyên canh các sản phẩm chủ lực phù hợp với từng địa phương.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích cánh đồng mẫu lớn có liên kết sản xuất đạt 1.000ha; xây dựng vùng nguyên liệu khoai mỡ, củ cải trắng,… ở Long Mỹ, Mỹ An; xây dựng phát triển thâm canh những vùng nguyên liệu trọng điểm tại Chánh An, An Phước, Tân Long Hội, Tân An Hội.
Đầu tư, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao
Ở Mang Thít đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong ảnh: Anh Ngô Hữu Anh Khôi bên mô hình rau thủy canh. |
Là nông dân “nổi tiếng” về trồng rau sạch thủy canh, anh Ngô Hữu Anh Khôi ở xã Bình Phước đã không ngần ngại chuyển giao và hướng dẫn nông dân khác về mô hình này.
Đang lúc nhổ bỏ hết rau vì bị bệnh, anh Khôi cho biết, trồng rau sạch tuy dễ nhưng cũng khó. Nếu có tâm, khi rau bệnh là “nhổ bỏ hết để trồng lại, dứt khoát không xịt thuốc”.
Hiện nay, mô hình trồng rau thủy canh của anh Khôi là điểm đến tham quan của nhiều nông dân trong và ngoài địa bàn. Anh Khôi chia sẻ, mô hình ứng dụng công nghệ nước ngoài nhưng đã nghiên cứu lại để phù hợp với tình hình sản xuất cũng như nguyên vật liệu ở địa phương. Từ đó giảm chi phí đầu tư, giúp nhiều nông dân có thể áp dụng để sản xuất.
“Mỗi mô hình 1.000m2 sẽ có kinh phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng. Hiện cũng đã chuyển giao mô hình cho một số nông dân ở các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre.
Đặc biệt là nông dân ở địa phương cũng đã bắt đầu đầu tư với quy mô vừa phải và bản thân cũng đã làm hồ sơ kêu gọi hỗ trợ thêm kinh phí để tiếp tục mở rộng thêm 2.000m2”- anh Khôi cho biết.
Cũng theo anh Khôi, “hiện nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, làm nông nghiệp cũng phải có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thị trường cũng như giúp ngành nông nghiệp tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các tiến bộ tiên tiến, hiện đại trên thế giới”.
Cũng xuất phát từ ý tưởng và mong muốn đưa nông nghiệp tiếp cận tốt hơn với công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và chuyển giao mô hình, chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước) đã tìm hiểu và vận hành quy trình sản xuất phôi và nấm thành phẩm.
Theo chị An, việc áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp nông dân giảm bớt công lao động mà năng suất lẫn chất lượng sản phẩm cũng tăng cao.
Tại công ty, chị An cũng đã xây dựng các nhà trồng kiểu mẫu để sản xuất và trình diễn: “Mục tiêu là làm thế nào để cung cấp phôi nấm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ sản xuất và tiến tới bao tiêu sản phẩm sạch cho nông dân”.
Đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn phải ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học kỹ thuật, phải luôn tự làm mới.
Theo cách nói của chị An, cũng có thể đại diện cho nhiều mô hình khác- “việc trồng nấm theo đúng quy trình sẽ có hiệu quả kinh tế cao, nhưng nấm là loại dễ thoái hóa nên phải không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng sản xuất các giống mới phù hợp với từng điều kiện để có hiệu quả kinh tế cao nhất…”- chị An chia sẻ.
Theo anh Ngô Hữu Anh Khôi, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn và mô hình nông nghiệp có ứng dụng KH- CN sẽ giúp giải quyết được nhiều bài toán. Tuy kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng đổi lại, năng suất và giá trị sản phẩm cũng tăng cao, và nếu áp dụng đúng quy trình, hiệu quả kinh tế sẽ rất cao, phù hợp với tình hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. |
Bài, ảnh: NGUYỄN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin