Chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền hai giống lúa mới

10:04, 13/04/2018

Ngày 12/4, tại thành phố Vũng Tàu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức lễ ký kết chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền hai giống lúa mới OM 18 và OM 9577 cho Tập đoàn Lộc Trời. 

 

Ngày 12/4, tại thành phố Vũng Tàu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức lễ ký kết chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền hai giống lúa mới OM 18 và OM 9577 cho Tập đoàn Lộc Trời. 


Hai giống lúa OM 18 và OM 9577 đã được chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011. 

Đây là hai giống lúa có những phẩm chất nổi trội, phù hợp để canh tác trong cả ba vụ, thích hợp trồng cả trong các vùng hạn, mặn, phù hợp để sản xuất gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. 

Cả hai giống lúa mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận vào năm 2017 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. 

Cụ thể, OM 9577 là giống lúa cao sản, ngắn ngày (thời gian sinh trưởng khoảng 100-107 ngày), cho năng suất cao, có khả năng chống chịu rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá. 

Giống OM 9577 có khả năng chống chịu mặn khoảng 4%, tính thích nghi rộng và canh tác được các vụ trong năm; có thể đưa vào cơ cấu canh tác để dần thay thế giống lúa đang trồng phổ biến tại vùng nhiễm mặn. 

Giống lúa OM 18 cũng có nhiều ưu điểm nổi trội như: chống chịu mặn cao ở ngưỡng 3-4‰, chất lượng gạo tốt đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu, kháng sâu bệnh, nhất là kháng cao và ổn định đối với bệnh đạo ôn, năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn. 

Việc hợp tác chặt chẽ về bản quyền giữa một cơ quan nghiên cứu đầu ngành với một doanh nghiệp nông nghiệp dẫn đầu sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu lúa giống chất lượng cao của bà con nông dân. 

Khi các thành tựu nghiên cứu lúa giống của các nhà khoa học được bảo vệ và nhanh chóng đi vào thị trường, nền sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển bền vững và đem lại sự tăng trưởng ấn tượng. 

Tập đoàn Lộc Trời hiện đang là một trong những đơn vị kinh doanh hạt giống, chiếm khoảng 10% thị phần lúa giống tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh hạt giống lúa, Tập đoàn Lộc Trời cũng đang phát triển mạnh các loại hạt giống bao gồm bắp lai, dưa hấu và rau màu. 

Tập đoàn Lộc Trời hiện đang sở hữu Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống bao gồm 6 trại/nhà máy sản xuất với diện tích 500 ha, ngoài ra còn có hơn 10.000 ha hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân. Các cơ sở này giúp Lộc Trời có đủ khả năng đáp ứng cho thị trường từ 60.000-80.000 tấn/năm. 

Năm 2018, Tập đoàn Lộc Trời đặt mục tiêu doanh số kinh doanh hạt giống đạt 974 tỷ đồng, trong đó lúa giống đạt 663 tỷ đồng, chiếm 13,2% thị phần. Đến năm 2020, Lộc Trời đặt mục tiêu sẽ chiếm 15% thị phần lúa giống của cả nước. 

Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thuần mới với năng suất cao, có chất lượng gạo thơm ngon, từ đó tạo dòng thương hiệu giống lúa thuần riêng. 

Dự kiến đến năm 2020, Lộc Trời sẽ cung cấp khoảng 10.000 tấn giống lúa thuần thương hiệu Lộc Trời đến bà con nông dân./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh