Ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn (DBKT- TV) Trung ương nhấn mạnh bão số 12 sẽ ngày càng mạnh và nguy hiểm hơn khi vào gần bờ, ảnh hưởng trên diện rộng.
Ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn (DBKT- TV) Trung ương nhấn mạnh bão số 12 sẽ ngày càng mạnh và nguy hiểm hơn khi vào gần bờ, ảnh hưởng trên diện rộng.
Ảnh vệ tinh cơn bão lúc 11 giờ ngày 3/11/2017. |
Lúc 10 giờ ngày 3/11/2017, vị trí tâm bão số 12 (tên quốc tế Damrey) chỉ còn cách vùng biển Khánh Hòa- Ninh Thuận chừng 400km. Với tốc độ 20km/h, vào sáng sớm 4/11, bão Damrey sẽ ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm DBKT- TV Trung ương và ông Nguyễn Văn Hưởng- Phó Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn của Trung tâm DBKT- TV Trung ương- đã trao đổi với Zing.vn về mức độ nguy hiểm và cách thức hoạt động của cơn bão số 12.
* Tại sao càng áp sát đất liền, cường độ bão số 12 càng mạnh hơn?
- Ông Hoàng Đức Cường: Cơn bão số 12 đang dần tăng cấp độ và vận tốc khi tiến gần vào đất liền nước ta. Khi đi qua đảo Palawan (Philippines), áp thấp khá yếu bởi gặp nhiều ma sát.
Tuy nhiên, vào biển Đông, vùng biển thoáng và không nhiều vật cản, áp thấp nhiệt đới này càng mạnh dần lên. Điều đáng lưu ý là kết hợp với không khí lạnh, nó sẽ gây hoàn lưu gió mạnh trên vùng rộng lớn, về phía Bắc. Khi chuẩn bị bão đổ bộ, cường độ gió đạt cấp 10-12.
Hơn nữa, đi vào vùng biển ấm là điều kiện lý tưởng để cơn bão Damrey tiếp thêm năng lượng. Kết hợp với không khí lạnh ở phía Bắc tràn xuống, sức gió của cơn bão sẽ càng mạnh.
Từ 1/11, áp thấp nhiệt đới phát triển thành bão. Vị trí hình thành của bão Damrey khá gần với bờ biển nước ta. Hơn nữa, khoảng 3- 4 ngày sau khi hình thành (áp thấp nhiệt đới hình thành ngày 31/10- PV) là giai đoạn phát triển nguy hiểm nhất của cơn bão.
* Khu vực nào đáng lo ngại nhất do ảnh hưởng của bão?
- Ông Hoàng Đức Cường: Toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp của gió bão. Các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên đến Bình Thuận sẽ nằm trong vùng có gió giật cấp 7- 8, Bà Rịa- Vũng Tàu thậm chí có gió giật cấp 6- 7.
Tỉnh Khánh Hòa và phía Bắc tỉnh Ninh Thuận sẽ có gió mạnh nhất, khoảng cấp 12. Ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc, khu vực Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn từ 3- 6/11. Sau đó, lượng mưa giảm dần.
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nguy cơ đáng ngại nhất là cường độ gió mạnh và lượng mưa lớn. Như chúng ta đã biết, Nam Trung Bộ vừa qua xảy ra đợt mưa khá lớn, gây ra lũ ở khu vực Phú Yên. Lần này, đây cũng là vùng bão sẽ đổ bộ.
Cùng với sự tác động của không khí lạnh, mưa lớn, kéo dài, có thể xảy ra ở khu vực trọng điểm này, nguy cơ cao lũ chồng lũ. Khu vực trọng điểm ảnh hưởng vào từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Liệu bão có khả năng bẻ quặt xuống Nam Bộ?
* Ngày 2/11, Trung tâm DBKT- TV Trung ương đưa ra 2 kịch bản: bão gây ra đợt mưa lũ với tổng lượng mưa có thể đạt mức thấp nhất 500mm, cao nhất là 1.000mm. Đến giờ, kịch bản nào khả năng cao sẽ xảy ra?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Những kịch bản này vẫn đang trong dự tính của cơ quan khí tượng. Chúng tôi sẽ theo dõi và cập nhật.
* Bão số 12 chịu tác động của không khí lạnh, liệu có khả năng đi bẻ ngoặt xuống khu vực Nam Bộ?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Chúng tôi cũng đưa ra phương án này, song khả năng xảy ra không cao. Bão Damrey sẽ chủ yếu đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ.
* Cơn bão số 12 xuất hiện và hoạt động sau khi áp thấp nhiệt đới gần bờ xuất hiện vào tháng 11 ở vùng biển phía Nam, điều này có gì bất thường, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Áp thấp nhiệt đới và bão Damrey cùng nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, liên tục có xoáy thuận di chuyển vào. Đây không phải hiện tượng bất thường.
* Đà Nẵng là nơi đang chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC. Thời tiết trong những ngày tới như thế nào?
- Ông Hoàng Đức Cường: Tôi nghĩ sẽ không có gì đáng ngại lắm. Khu vực này chỉ bị ảnh hưởng, mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, lượng mưa tập trung trong 2 ngày 4- 5/11 rồi giảm dần.
ĐÔNG PHƯƠNG (Theo khoahoc.tv/zing.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin