5 ngộ nhận chết người về bệnh sốt xuất huyết

08:07, 22/07/2017

Sốt xuất huyết có thể được chữa khỏi nếu được điều trị đúng phác đồ, song người bệnh vẫn có nguy cơ tử vong nếu chủ quan tin vào những điều dưới đây:

 

Cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho lăng quăng phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.
Cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho lăng quăng phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.

Tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết hôm 20/7/2017, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết số người bệnh cả nước tăng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016, với 57.492 ca, 15 người tử vong.

Sốt xuất huyết có thể được chữa khỏi nếu được điều trị đúng phác đồ, song người bệnh vẫn có nguy cơ tử vong nếu chủ quan tin vào những điều dưới đây:

Mắc bệnh một lần sẽ miễn dịch suốt đời

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng Khoa Cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.

Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người.

Giảm sốt là hết bệnh

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng.

Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Nhưng từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước. Nhiều người thường cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể gặp biến chứng nặng.

Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm và bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.

Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, nôn ói. Ở trẻ nhỏ, có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.

Biến chứng thứ 2 là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Uống thuốc Aspirin và Ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do vi rút và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và Ibuprofen. 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày,
ói ra máu.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng

Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn.

Thực tế, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên bàn thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...

Vì vậy, cần chú ý dọn sạch những thứ này. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.

 

Theo Trần Đắc Phu- Cục trưởng Y tế dự phòng, đáng lưu ý là số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc năm nay tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các địa phương khác, 6 tháng đầu năm, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở miền Bắc chưa phải cao nhất (gần 5.000 người), song tốc độ gia tăng nhanh kỷ lục và được các chuyên gia y tế đánh giá là bất thường.

 

TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 9.538 người bệnh, tiếp đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang. Tại miền Trung, số ca giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại gia tăng cục bộ ở một số tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi. Tính trung bình số bệnh nhân nhập viện trên 100.000 dân, Đà Nẵng là tỉnh có tỷ lệ cao nhất nước.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo khoahoc.tv)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh