Với đột phá hoàn toàn về thiết kế, dự án đầy tham vọng "Dọn sạch đại dương" thu gom rác thải nhựa của chàng trai trẻ người Hà Lan Boyan Slat có thể bắt đầu sớm hơn dự kiến hai năm.
Với đột phá hoàn toàn về thiết kế, dự án đầy tham vọng "Dọn sạch đại dương" thu gom rác thải nhựa của chàng trai trẻ người Hà Lan Boyan Slat có thể bắt đầu sớm hơn dự kiến hai năm.
Hàng rào thu gom rác thải nhựa của Boyan Slat. (Nguồn: Tổ chức "Dọn sạch đại dương") |
Sáng kiến của Slat là tận dụng dòng nước đại dương để thu gom khoảng 5 triệu mảnh nhựa từ chai lọ, tới túi nilon, dép tông, trên biển.
Sau nhiều năm nghiên cứu, trong đó có việc khảo sát chi tiết "núi rác" lớn nhất trên Thái Bình Dương giữa Hawaii và bờ biển California, nhóm "Dọn sạch đại dương" của Slat đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch của mình.
Phát biểu trước hàng trăm người tại một sự kiện ở Utrecht (Hà Lan), Slat cho biết đã hủy bỏ các ý tưởng ban đầu là triển khai một hàng rào hình chữ V dài 100km, neo dưới đáy biển để thu gom rác thải nhựa.
Theo Slat, hiện một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư có kế hoạch thay thế hàng rào lớn với "nhiều hàng rào nhỏ hơn."
Theo đó, khoảng 30 hàng rào nhỏ hơn sẽ được lắp đặt trải dài từ 1-2km. Các hàng rào này sẽ không phải neo xuống đáy biển mà được gắn với một neo nổi có thiết kế đặc biệt dài 12m, di chuyển chậm bởi gió và hải lưu.
Slat hy vọng có thể bắt đầu triển khai hệ thống dọn sạch đại dương đầu tiên trong 12 tháng tới thay vì năm 2020 như dự kiến ban đầu cũng như có thể thu dọn 50% lượng rác thải trên Thái Bình Dương trong vòng 5 năm so với ước tính ban đầu là 42% trong vòng 10 năm.
Ước tính, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi dạt trên đại dương. Do dòng hải lưu nên hầu hết số rác thải này bị dồn về tập trung ở năm "núi rác" khổng lồ trên khắp hành tinh.
Phải mất hàng thập kỷ các loại rác thải nhựa này mới có thể bị vỡ. Ví dụ, một chai nhựa cũ từ năm 1977, được nhóm của Slat lấy lên từ Thái Bình Dương hồi năm ngoái, song chiếc chai này vẫn còn rất nguyên vẹn.
Những mảnh vỡ siêu nhỏ khi nhựa bị vỡ đã phân tán trên khắp đại dương gây nguy hại đến đời sống của các sinh vật biển. Rùa, cá voi và các sinh vật khác có thể bị vướng vào rác thải hoặc nuốt phải những mẩu nhựa mà chúng cho là thức ăn và không thể tiêu hóa được.
Hiện dự án "Dọn sạch đại dương" của Slat đang tiến hành thử nghiệm máy hút rác thải đầu tiên loại nhỏ hồi tháng 6/2016 ở ngoài khơi bờ biển Hà Lan. Máy hút rác thải này có giá 1,5 triệu euro (1,69 triệu USD). Kinh phí do các nhà tài trợ cung cấp trong đó có Chính phủ Hà Lan./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin