Cho thỏa niềm đam mê

02:05, 15/05/2017

Hiện nay, ở các trường học, việc học sinh, sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học đã không còn hiếm. Phong trào này được các trường phát động thường xuyên, là sân chơi bổ ích để các em có thể so tài với nhau ở các hội thi, cũng là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.

Hiện nay, ở các trường học, việc học sinh, sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học đã không còn hiếm. Phong trào này được các trường phát động thường xuyên, là sân chơi bổ ích để các em có thể so tài với nhau ở các hội thi, cũng là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.

Sinh viên Trần Quang Đại- ĐH Cửu Long đạt giải nhất Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 15.
Sinh viên Trần Quang Đại- ĐH Cửu Long đạt giải nhất Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 15.

Đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Học đi đôi với hành sẽ giúp các em nhớ lâu kiến thức, đặc biệt là ứng dụng lý thuyết vào thực tế, sát với cuộc sống. Hiện nay, ở các trường từ phổ thông cho đến CĐ, ĐH, phong trào nghiên cứu khoa học đã có những chuyển biến tích cực, thông qua nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật được tổ chức hàng năm.

Bạn Phạm Hoàng Minh- sinh viên ngành Kỹ thuật công trình xây dựng (ĐH Xây dựng Miền Tây)- cho biết, bên cạnh việc học thì nghiên cứu cũng được xem như nhiệm vụ của sinh viên.

Chính vì vậy, Hoàng Minh và nhóm bạn đã đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng vật liệu nhẹ trong thiết kế và thi công nhà nhân ái”.

Nói về đề tài này, Minh cho biết, từ những chuyến hè tình nguyện tham gia xây nhà nhân ái, từ kinh phí xây dựng nhà “hơi cao” so với điều kiện kinh tế khó khăn của bà con nên các bạn đã suy nghĩ cần “thay thế vật liệu nhẹ để xây nhà nhằm hạ thấp chi phí cho các hộ nghèo”. 

Minh giải thích: “Thật ra giá thành của vật liệu nhẹ không rẻ nhưng nếu thay thế gạch ống xây nhà sẽ tiết kiệm được rất nhiều như: không cần phải tô cát lại nhẹ nên giảm được lượng sắt, thép, bê tông đổ cột, kèo... Tính ra giảm được 10 triệu đồng/căn.

Đề tài này cũng đã đạt giải 3 cấp trường. Quan trọng nữa là trong quá trình nghiên cứu đã làm giàu thêm kinh nghiệm và kỹ năng làm việc nhóm, đưa những kiến thức đã học vào thực tế”.

Vài năm trở lại đây, Sở GD- ĐT cũng đã tổ chức Hội thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh bậc trung học. Các giải cao sẽ đưa dự thi cấp quốc gia và có khả năng học sinh được xét thẳng ĐH, CĐ. Đây là điều kiện để phong trào nghiên cứu trong học sinh phát triển.

Em Nguyễn Hữu Trung- học sinh Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) đã giành giải ba Hội thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2016- 2017 với đề tài “Xe máy tích hợp 2 dạng năng lượng sạch”.

Trung cho biết: “Nghiên cứu khoa học sẽ rèn luyện tư duy và áp dụng được những kiến thức mình đã học. Mỗi khi nghiên cứu em luôn học hỏi thêm những điều mới mẻ, đó là thành quả tốt nhất cho bản thân”.

Thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng- cho biết, thời gian gần đây, phong trào nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tế của học sinh ngày càng nhiều. Thể hiện rõ nhất là thông qua Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Ở hội thi này, nhiều ý tưởng của các em được hiện thực hóa, là tiền đề để những sáng kiến, dự án được phát triển đúng hướng…

Cần có sự đầu tư lâu dài

Phong trào nghiên cứu, ứng dụng lý thuyết vào thực tế hiện nay ở các trường học được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Robocon.
Phong trào nghiên cứu, ứng dụng lý thuyết vào thực tế hiện nay ở các trường học được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Robocon.

Hiện nay, Vĩnh Long có một số hội thi về khoa học, kỹ thuật, là sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên như: Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học, các hội thi khoa học, kỹ thuật ở các trường ĐH, CĐ… thu hút rất nhiều giới trẻ có niềm đam mê nghiên cứu.

Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Vĩnh Long)- cho biết, nghiên cứu khoa học trong nhà trường những năm gần đây được sự quan tâm của ban giám hiệu, thầy cô và phụ huynh học sinh.

Trong đó, có sự đầu tư về ý tưởng, thời gian, kinh phí, là điều kiện tốt để các em phát huy được khả năng sáng tạo. Do đó có thể thấy, để duy trì các phong trào nghiên cứu, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa để các em hoàn thiện đề tài, nghiên cứu dự án sâu hơn.

Ông Hà Văn Sơn- Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Vĩnh Long- đánh giá, các cuộc thi đã thu hút hàng ngàn lượt học sinh tham gia.

Trong đó, có khá nhiều em học sinh học lớp 1, 2. Điều đó cho thấy rằng môi trường học tập nghiên cứu đang có sức hút lớn, bởi các em không chỉ học lý thuyết suông mà còn ứng dụng được trong điều kiện thực tế.

Theo ông, để các nghiên cứu đạt hiệu quả, cần có những chính sách đầu tư để các em tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Từ đó, từng bước nuôi dưỡng những sáng kiến, dự án, cũng như phát huy những tài năng thật sự, bồi dưỡng nhân tài…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh