Khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế- xã hội thời hội nhập

08:05, 17/05/2017

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ (KH- CN) Việt Nam (18/5), phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH- CN.

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ (KH- CN) Việt Nam (18/5), phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH- CN.

Điểm lại những thành tựu, kết quả của ngành KH- CN trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Trọng Danh cho biết:

Chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước luôn xem KH- CN là quốc sách hàng đầu.

Hoạt động KH- CN đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật, nâng cao trình độ cán bộ và tri thức đối với quần chúng nhân dân, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, đẩy nhanh việc ứng dụng KH- CN vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Hoạt động KH- CN từng bước phát triển với các kết quả cụ thể như sau:

Về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Đã triển khai thực hiện 5 dự án cấp bộ và 422 đề tài, dự án cấp tỉnh.

Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ việc giải quyết các nhu cầu bức thiết, gắn với thực tiễn, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Về hoạt động về sở hữu trí tuệ: Đến nay, toàn tỉnh có 845 nhãn hiệu hàng hóa, 87 kiểu dáng công nghiệp và 9 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh…

Hoạt động tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng: Tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều hệ thống tiêu chuẩn quốc tế được ban hành và cập nhật. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện đề án “Thập niên chất lượng”; dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước,…

Hoạt động thông tin; hoạt động thanh, kiểm tra về KH-CN: Được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, về nhân lực và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Hoạt động thanh- kiểm tra ngày càng ổn định và phát triển.

Quá trình thực hiện, ngoài việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm thì cũng tuyên truyền phổ biến các quy định trong quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ,…, đảm bảo công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

* Thưa ông, những thành tựu KH-CN đó đã góp phần như thế nào trong sự phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ hội nhập?

- Trong những năm qua, nhận thức của các cấp, các ngành đối với vai trò, động lực của KH-CN tại địa phương có chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Hoạt động nghiên cứu KH- CN luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt, tập trung triển khai các chương trình, đề tài, dự án, các mô hình ứng dụng KH- CN phục vụ Đề án nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh, gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều đề tài, dự án được thực hiện trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, y tế...

Qua đó, đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho việc đề ra các chủ trương, xây dựng phương hướng nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế…

KH-CN của tỉnh trong thời gian qua từng bước được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2006- 2011, tỉnh đã đầu tư trên 130 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phân tích kiểm nghiệm, trang thiết bị y tế, trại giống vật nuôi, thủy sản của tỉnh,…

Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã đầu tư cơ sở thực nghiệm và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng trụ sở làm việc, các trang thiết bị kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Sở KH- CN trên 36 tỷ đồng;…

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả Miền Nam, các sở, ngành, các trường trung cấp, CĐ, ĐH trong tỉnh để thực hiện chương trình hợp tác phát triển KH- CN, đóng góp trí tuệ và công sức cho việc phát triển KH-CN của tỉnh.

* Trong thời gian tới, ngành KH- CN có những định hướng nào để trở thành “chìa khóa thành công” cho sự phát triển địa phương?

- Giai đoạn 2016- 2020, hoạt động KH- CN tỉnh Vĩnh Long chú trọng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hỗ trợ áp dụng mô hình KH- CN để xây dựng nông thôn mới,…

Thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất. Tiếp tục đầu tư nâng cao tiềm lực KH- CN của tỉnh.

Qua đó, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; triển khai thực hiện các chương trình, đề án về KH- CN phục vụ có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH- CN;

đầu tư phát triển tiềm lực KH- CN. Đồng thời, duy trì mối quan hệ hợp tác phát triển KH- CN với các viện nghiên cứu, trường ĐH, các tổ chức KH- CN trong và ngoài tỉnh.

Đào tạo nguồn nhân lực gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành các doanh nghiệp KH- CN trong tỉnh. Qua đó gắn kết với việc đào tạo nguồn nhân lực và từng bước cải thiện trình độ công nghệ của tỉnh…

* Xin cảm ơn ông!

KHÁNH DUY (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh