Học sinh trường làng sáng tạo robot cấy lúa

03:05, 23/05/2017

Em Nguyễn Đại Nghĩa, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Tân Lược (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) vừa sáng tạo thành công "Robot cấy lúa" đã nhanh chóng gây chú ý của nhiều người.

 

 

Em Nghĩa trình diễn hoạt động của Robot cấy lúa trên máy tính bảng.
Em Nghĩa trình diễn hoạt động của Robot cấy lúa trên máy tính bảng.

Em Nguyễn Đại Nghĩa, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Tân Lược (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) vừa sáng tạo thành công “Robot cấy lúa” đã nhanh chóng gây chú ý của nhiều người.

Robot này có thể điều chỉnh tốc độ cấy lẫn cự ly của các gốc lúa theo ý muốn của người sử dụng. Nguồn điện năng hoạt động được nạp từ những cục pin sạc có thể tái sử dụng nhiều lần.

Phần tay, chân robot được thiết kế bằng nhôm. Sau 30 phút sạc điện, nguồn pin này có thể giúp robot cấy lúa liên tục từ 2 đến 3 giờ, năng suất đạt xấp xỉ từ 1.000 đến 2.000 m 2 đất tùy thuộc độ cứng của đất, tốc độ và cự ly các gốc lúa....

Để có được sản phẩm độc đáo này, Nguyễn Đại Nghĩa đã tự mày mò nghiên cứu nhiều tài liệu kỹ thuật trên mạng xã hội, trên các tư liệu, sách báo và tiến hành thử nghiệm.

Sau nhiều lần thất bại, Nghĩa đã thành công bước đầu cùng chú robot của mình với giá thành xấp xỉ 300.000 đồng và đã đoạt giải khuyến khích (không có giải nhất, nhì và ba) trong Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật huyện Bình Tân năm 2017 mới đây.

Ý tưởng để tạo nên sản phẩm độc đáo này, em Nghĩa cho biết tử nhỏ chứng kiến cha mẹ và nhiều người nông dân trồng lúa, đằng sau những hạt thóc hạt lúa được tạo ra là những tháng ngày cực nhọc, mòn mỏi của những người nông dân. Thấu hiểu điều đó vì vậy Nghĩa muốn làm cái gì đó để giúp đỡ cho họ.

Nghĩa biết rằng, công đoạn cấy lúa là phần tốn nhiều thời gian và công sức nhất bởi họ phải cấy từng cây lúa xuống ruộng, do đó em có ý tưởng làm một chiếc máy để cấy lúa vừa nhỏ gọn lại hợp với túi tiền của người nông dân giúp họ rút ngắn thời gian và công sức trồng lúa. 

Nghĩ là làm, từ nguyên lý cơ bản là điều khiển các khớp nối bằng mạch điện để robot có thể tự lấy lúa trên các chiếc khay và cấy xuống ruộng theo một quy luật được cài đặt sẵn rất tiện lợi. Nghĩa sử dụng các tấm nhôm dán (Alu), thiếc, 2 câm xe, 1m dây thun, 1 nắp chai, 2 ống viết, giấy kiến, dây điện, 4 motor, công tắc, keo dán và ốc vít.

Robot cấy lúa của em Nghĩa đã được gửi dự thi cấp tỉnh.
Robot cấy lúa của em Nghĩa đã được gửi dự thi cấp tỉnh.

Để thực hiện gồm có 3 phần. Phần thứ nhất là cắt Alu thành những phần như 4 bánh xe, khung, lắp motor vào.

Dùng dây thun làm bánh xích và gắn các mảnh Alu cắt nhỏ sau đó gắn vào bánh xe; Phần thứ 2 là cắt Alu thành cánh tay cấy lúa, lắp motor để cánh tay hoạt động được, dùng thiếc cắt thành 2 lưỡi cấy gắn vào tay cấy; Và phần thứ 3 là cắt Alu thành khây đựng lúa có 2 phần dùng 2 câm xe gắn vào sao cho 1 phần cố định 1 phần có thể di chuyển, lắp motor được gắn nắp chai để khây chuyển động qua lại. Cuối cùng lắp các phần lại với nhau bằng ốc vít.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền (giáo viên chủ nhiệm em Nghĩa), nhận xét: “Em Nghĩa học rất giỏi, có ý tưởng mày mò sáng tạo. Em có thân hình nhỏ nhắn, nhưng rất lanh lợi, hoạt bát, hăng hái tham gia các hoạt động của lớp, của trường. Đạo đức và hạnh kiểm đều tốt”.

Thầy Trần Hòa Nhã, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết, hàng năm, nhiều học sinh của trường tham gia các cuộc thi sáng tạo của huyện, tỉnh tổ chức.

Vừa qua, trường có 4 sản phẩm của các em học sinh đoạt giải huyện và đều được chọn tham gia thi vòng tỉnh. Trong đó, sản phẩm robot cấy lúa của em Nghĩa được nhiều người chú ý vì nó sát với thực tế nông nghiệp của địa phương. Hiện sản phẩm của em Nghĩa đã được gởi đi dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh sắp tới.

Được biết, trong học tập, Nguyễn Đại Nghĩa luôn đạt thành tích đặc biệt xuất sắc ở tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 9, nhất là môn vật lý và toán.

Nghĩa “bật mí” thêm, trước đây em cũng đã chế tạo thành công “robot quét rác” nhưng chưa “trình làng” vì còn hoàn chỉnh nhiều chi tiết độc, lạ khác nữa.

Riêng chú robot cấy lúa này, em sẽ bổ sung một số tính năng mới trước khi đua tài, đó là: robot sẽ tự đảo chiều khi hết đất cấy; tự nhận biết sơ đồ diện tích sẽ hoạt động và đặt biệt là sẽ hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

 SP đoạt giải vòng huyện.
SP đoạt giải vòng huyện.

Nghĩa vẫn đang ấp ủ sáng tạo robot trồng khoai lang để phục vụ cho nông dân vương quốc khoai lang Bình Tân này. Tuy nhiên, em Nghĩa đang ao ước có được chiếc laptop (vì máy tính bàn đã bị hư) để thực hành điều khiển những robot của mình trên máy thuận lợi hơn.

Ông Trần Hoàng Túy, Giám đốc Trung tâm sáng tạo và kết nối cộng đồng tỉnh Vĩnh Long, đánh giá sản phẩm của em Nghĩa phần nào đã khơi nguồn sáng tạo cho các em học sinh, gần gủi với thực tế địa phương.

Sản phầm của các em tuy chỉ mới là ý tưởng sáng tạo, nếu được các cấp, các ngành quan tâm, tác phẩm của em sẽ được phát triển, khả năng áp dụng rộng rải ở những khu vực trồng lúa. Đồng thời, sản phẩm của em có giá thành rẻ và dễ dàng thương mại hóa sản phẩm.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh