NASA công bố một địa điểm có thể tồn tại sự sống ngay trong hệ Mặt trời

05:04, 15/04/2017

Trong buổi họp báo diễn ra vào lúc 14 giờ EDT ngày 13/4 (tức 1 giờ sáng 14/4 giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố thông tin chấn động: Mặt trăng của sao Thổ - Enceladus chính thức gia nhập những địa điểm có khả năng tồn tại sự sống ở ngay trong hệ Mặt trời.

Trong buổi họp báo diễn ra vào lúc 14 giờ EDT ngày 13/4 (tức 1 giờ sáng 14/4 giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố thông tin chấn động: Mặt trăng của sao Thổ - Enceladus chính thức gia nhập những địa điểm có khả năng tồn tại sự sống ở ngay trong hệ Mặt trời.

 NASA cho biết có một địa điểm có thể tồn tại sự sống ngay trong hệ Mặt trời.
NASA cho biết có một địa điểm có thể tồn tại sự sống ngay trong hệ Mặt trời.

Buổi họp báo của NASA diễn ra vào lúc 14 giờ EDT thứ 5, 13/4/2017 (tức 1 giờ sáng ngày 14/4/2017 giờ Việt Nam) đã cho chúng ta những thông tin thú vị về một địa điểm có thể tồn tại sự sống ngay trong hệ Mặt trời.

Trước khi buổi họp báo diễn ra, người phát ngôn của NASA chia sẻ: “Đây là những phát hiện quan trọng cho nhiệm vụ thám hiểm đại dương này trong tương lai- bao gồm nhiệm vụ Europa Clipper sau năm 2020 của NASA- và công cuộc tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái đất trong tương lai xa hơn”.

Chúng ta biết rằng 4 điều kiện cần và đủ để có sự sống là nước, những chất hóa học cần thiết, một nguồn năng lượng và thời gian đủ để sự sống phát triển.

May mắn thay, Enceladus- Mặt trăng của sao Thổ- vệ tinh lớn thứ 6 của Sao Thổ đã sở hữu tới 3 yếu tố và nó chính thức gia nhập những địa điểm có khả năng tồn tại sự sống ở ngay trong hệ Mặt trời.

Theo ghi nhận từ buổi họp báo, tàu thăm dò Cassini đang làm nhiệm vụ trên sao Thổ đã thu thập được những bằng chứng quan trọng, cho thấy sự sống có thể phát triển ngay trong hệ Mặt trời của chúng ta.

Tàu Cassini đã tiếp cận quỹ đạo sao Thổ từ năm 2004 và đã tìm thấy rất nhiều điều thú vị, như biển methane lỏng trên Mặt trăng Titan của sao Thổ.

Và nay, nó cũng phát hiện ra những phản ứng hóa học và phản ứng thủy nhiệt trên Enceladus- những phản ứng cần thiết để tạo ra một môi trường cho phép vi sinh vật tồn tại và phát triển.

Đây giống như mảnh ghép còn thiếu để chứng minh sự sống tồn tại được trên Enceladus vậy. Nó đã biến vệ tinh bé nhỏ cách Mặt trời 887 triệu dặm trở thành một ứng cử viên sáng giá cho phép duy trì sự sống trong Thái dương hệ, giống như sao Hỏa và Mặt trăng Europa của sao Mộc.

Theo GS. David Rothery đến từ ĐH Open: “Sự sống duy nhất chúng ta biết hiện nay chính là chúng ta. Nhưng nếu sự sống có thể phát triển tại Enceladus, điều đó có nghĩa rằng trong số hàng tỷ tỷ hành tinh và vệ tinh ngoài kia, hẳn phải có sự sống tồn tại”.

Trước đó, NASA đã biết rằng bên dưới bề mặt băng đá của Enceladus có nước lỏng. Và để khám phá được đại dương khổng lồ này, các chuyên gia phải dựa vào những vết nứt đang phóng hàng chùm vật chất lên không trung trên bề mặt của vệ tinh này.

Kết quả, họ đã xác nhận được 1,4% số vật chất được phóng lên là các phân tử hydro- được cho là sản phẩm của phản ứng thủy nhiệt giống như trên Trái đất.

Ngoài ra, 0,8% số đó có cả CO2, và cùng với hydro, đó là những hóa chất cần thiết để vi khuẩn tạo ra khí methane- thứ mà những vi khuẩn dưới đáy đại dương của Trái đất tạo ra.

GS. Hunter Waite- trưởng nhóm nghiên cứu Cassini Ion và Neutral Mass thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI) tại San Antonio chia sẻ: “Enceladus có một đại dương bên dưới lớp băng.

Trên mặt băng có những vết nứt, và vật chất theo đó tuôn ra. Dòng vật chất cho thấy dấu hiệu của những hóa chất thường có mặt trong các phản ứng giữa đại dương và bề mặt đá cứng.

Chúng tôi nhận thấy phản ứng thủy nhiệt đang diễn ra tại đây. Điều đó cho thấy, các phản ứng địa hóa học có thể giúp sự sống phát triển thịnh vượng, ngay cả khi không có ánh sáng”.

Và rằng sự sống ở đây- nếu tồn tại- sẽ có dạng đơn bào hình ống, giống như trong các ống thủy nhiệt dưới lòng đại dương ở Trái đất của chúng ta. Những dạng sống này không cần oxy cũng không cần ánh sáng Mặt trời.

Thậm chí chúng có thể đã từng giống như sự sống trên Trái đất, trước khi điều kiện khắc nghiệt bắt chúng phải thay đổi. Tuy nhiên, phát hiện này không khẳng định một cách rõ ràng rằng tồn tại sự sống ở trên Enceladus. Nhưng đây là một bước tiến rất lớn để chứng minh được điều đó.

Theo TS. David Clements- nhà thiên văn vật lý tại ĐH Imperial College London: “Thật tuyệt khi xác nhận được sự tồn tại của phản ứng thủy nhiệt ở một nơi khác với Trái đất, lại trong chính Thái dương hệ”. Nhưng dù sao, phát hiện lần này là chiến công vĩ đại nhất mà Cassini đã làm được, nhất là khi tàu thăm dò trị giá 3,3 tỷ đô đã bước vào tháng hoạt động cuối cùng”.

NASA đã có kế hoạch đâm Cassini vào bề mặt sao Thổ và nguyên nhân được cho là để bảo vệ Enceladus. Họ buộc phải làm vậy, vì con tàu có nguy cơ khiến Enceladus nhiễm khuẩn của Trái đất, và nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ chẳng chứng minh được điều gì cả.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo khoahoc.tv/Tri thức trẻ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh