"Dạ con nhân tạo" - hy vọng cho trẻ sinh non

10:04, 30/04/2017

Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ vừa thử nghiệm thành công mô hình "dạ con nhân tạo" trên những con cừu sinh non tương đương với thai nhi 23 tuần tuổi. Phương pháp này được cho có tiềm năng giúp tăng tỷ lệ sống sót khỏe mạnh ở những em bé chào đời quá sớm.

Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ vừa thử nghiệm thành công mô hình "dạ con nhân tạo" trên những con cừu sinh non tương đương với thai nhi 23 tuần tuổi. Phương pháp này được cho có tiềm năng giúp tăng tỷ lệ sống sót khỏe mạnh ở những em bé chào đời quá sớm.

Ở trẻ sinh non, cơ may sống sót khi ra đời trước tuần thứ 23 của thai kỳ gần như bằng 0. Tỷ lệ này ở bé sinh ra lúc 23 tuần là 15%, 24 tuần là 55% và 25 tuần là khoảng 80%.

Những em bé chào đời ở khoảng 23 tuần thường phải được nuôi trong lồng ấp với máy thở, nhưng vẫn có đến 90% nguy cơ mắc bệnh phổi mãn tính, các vấn đề sức khỏe khác do nội tạng non yếu hoặc tàn tật suốt đời.

Cừu sinh non (trái) – tương đương thai nhi 23 tuần tuổi – đã phát triển hoàn chỉnh sau 4 tuần được nuôi trong
Cừu sinh non (trái) – tương đương thai nhi 23 tuần tuổi – đã phát triển hoàn chỉnh sau 4 tuần được nuôi trong "dạ con nhân tạo". Ảnh: CHOP

Theo Tiến sĩ Alan Flake tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (CHOP), trẻ sinh non rất cần một "cầu nối" chuyển tiếp giữa tử cung người mẹ với môi trường bên ngoài.

Nên nếu phát triển một hệ thống dạ con nhân tạo hỗ trợ thai nhi phát triển hoàn thiện nội tạng chỉ trong vài tuần, ông tin sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe của những em bé sinh non.

"Túi sinh học" được Tiến sĩ Flake và cộng sự phát triển sau 3 năm nghiên cứu, được thiết kế nhằm mô phỏng điều kiện sống giống như trong tử cung và cung cấp môi trường an toàn cho em bé phát triển hoàn thiện phổi và các cơ quan nội tạng.

Công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành nuôi 6 con cừu sinh non, tương đương với thai nhi 23 tuần, trong "dạ con nhân tạo".

Chiếc túi sinh học này cung cấp mọi nhu cầu cần thiết để cừu non tiếp tục phát triển, bao gồm dịch ối và nguồn máu giàu dinh dưỡng.

Cụ thể, chất lỏng trong túi sinh học là hỗn hợp dung dịch giống như nước ối, vừa bảo vệ bào thai khỏi tác nhân gây hại vừa duy trì nhiệt độ, áp suất và ánh sáng giống như trong dạ con tự nhiên.

Nhưng do cừu non không thể nhận được ôxy và chất dinh dưỡng từ cừu mẹ qua nhau thai, nên dây rốn của nó được kết nối một hệ thống đặc biệt giúp nguồn máu lưu thông an toàn.

Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã được đền đáp khi cừu non bắt đầu mở mắt, mọc lông, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng phát triển đầy đủ.

Sau 28 ngày, khi phổi đã hoàn chỉnh, cừu non được tách khỏi túi sinh học và bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cừu được nuôi bằng "dạ con nhân tạo" thí nghiệm hiện đã được 1 tuổi.

Với kết quả khả quan như trên, các chuyên gia hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng trong khoảng 3 đến 5 năm tới.

Phía Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia nhấn mạnh, mục tiêu của phương pháp mới là tái tạo điều kiện sống trong dạ con tự nhiên để mang đến môi trường an toàn giúp trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh, chứ không đơn thuần là mở rộng khả năng sống sót của em bé.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh