ĐẨY MẠNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Cập nhật, 08:02, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Truy cập qua cổng dịch vụ công trực tuyến hay đến bộ phận “một cửa” để thực hiệc các thủ tục hành chính,…

Tất cả đều thực hiện trên nền tảng Chính phủ điện tử mà Vĩnh Long và các tỉnh- thành trong cả nước tập trung xây dựng từ 2016- 2020, nhằm hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời hội nhập.

Hội thi tìm hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính trong toàn tỉnh giúp các đơn vị nhận thức tầm quan trọng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, để phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Hội thi tìm hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính trong toàn tỉnh giúp các đơn vị nhận thức tầm quan trọng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

“Lên mạng làm thủ tục”

Bà Đoàn Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long cho biết: Những năm gần đây, việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công dân ngày càng được các sở, ban, ngành chú trọng.

Trong đó, có thể dễ dàng nhận thấy qua việc thành lập các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, đặc biệt là tạo ra ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ ngày càng cao.

Đến Sở Giao thông- Vận tải Vĩnh Long để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái môtô sang mẫu mới (vật liệu PET), nhiều người phấn khởi bày tỏ sự hài lòng vì có sự “góp sức” của dịch vụ công mà việc đăng ký trở nên tiện lợi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Long (Phường 4- TP Sa Đéc) vui vẻ cho biết, được cấp bằng lái tại Vĩnh Long nên muốn đến đây để giải quyết cho nhanh.

Đang làm trong một công ty cách Vĩnh Long khá xa, nên anh lên web của Sở Giao thông- Vận tải và gửi email hỏi thăm.

Anh vui vẻ nói: “Vậy là sau khi Sở Giao thông- Vận tải giới thiệu và hướng dẫn về dịch vụ công này, tui mừng và đăng ký ngay. Nhờ vậy, dễ dàng điền thông tin qua mạng. Đến ngày hẹn, mình lại hoàn tất các thủ tục. Thế là xong”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Bạch (ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới- Trà Ôn) cũng đang đi làm xa nhà, nên khi được bạn bè chia sẻ trên trang facebook cá nhân, Kim Bạch đã tìm hiểu ngay. Chị nói: “Mới đầu cứ ngỡ là khó làm nhưng hóa ra dễ ụi.

Vào trang web, đăng ký, sau vài bước là đã hoàn tất hồ sơ, mình xác nhận và gửi. Dễ dàng như tạo tài khoản email vậy!” Sau khi Sở Giao thông- Vận tải xác nhận hồ sơ đã hoàn tất, đến ngày hẹn “đến điền thông tin, nộp hồ sơ, chụp hình. Đợi một chút là có thẻ mới”- Kim Bạch cho biết.

Theo chị Võ Thị Anh Khoa- chuyên viên Văn phòng Sở Giao thông- Vận tải Vĩnh Long, cùng với các tỉnh- thành trên cả nước, sở đã thực hiện dịch vụ công từ nhiều năm nay, bao gồm cấp đổi giấy phép lái xe sang mẫu mới cho môtô và ôtô. Nếu đến trực tiếp để làm thì người dân phải đến đây ít nhất là 2 lần mới đổi được giấy phép.

Tương tự, như lĩnh vực đường thủy nội địa, đăng ký kinh doanh, khai thuế điện tử, báo chí xuất bản,… cũng đang được các ngành thực hiện hàng loạt các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao.

Hiện đại hóa nền hành chính

“Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt gói thầu trang bị thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác một cửa liên thông tại 8 huyện- thị- thành. Hiện đã hoàn thiện xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và phần mềm một cửa liên thông cấp huyện”.

Ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 trong cấp đổi giấy phép lái xe mẫu mới tại Sở Giao thông- Vận tải Vĩnh Long góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.
Ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 trong cấp đổi giấy phép lái xe mẫu mới tại Sở Giao thông- Vận tải Vĩnh Long góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.

Bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết: “Đến cuối tháng 12/2016, hoàn thành lắp đặt các trang thiết bị công nghệ thông tin cho các đơn vị và đi vào tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm một cửa liên thông cấp huyện. Đầu năm 2017, sẽ bắt đầu đi vào vận hành chính thức trong toàn tỉnh”.

“Khi vào vận hành, thay vì phải chạy qua nhiều nơi, thì người dân chỉ cần đến một cửa là sẽ giải quyết được tất cả”- đó là chia sẻ của ông Võ Văn Phước- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- truyền thông (Sở Thông tin- Truyền thông) khi bàn về ứng dụng một cửa liên thông chạy trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử sẽ vận hành vào đầu năm 2017.

Theo ông Võ Văn Phước, khái niệm “một cửa” hay “một cửa liên thông” đã quen thuộc, được thực hiện ở các đơn vị từ lâu.

Tuy nhiên, trước đây việc liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ một cửa chỉ dừng ở mức độ giới hạn.

Bởi ứng dụng công nghệ thông tin chỉ trong nội bộ, chưa kết nối, chia sẻ khai thác các dữ liệu dùng chung, ứng dụng công nghệ thông tin theo ngành và địa phương chưa có sự phối hợp và chia sẻ dữ liệu.

Nhưng từ cuối năm 2016, đã có quy định bắt buộc xây dựng các ứng dụng phải liên thông dựa trên khung kiến trúc tổng thể của tỉnh.

Dịch vụ công trực tuyến là một trong những bước đi quan trọng hướng tới chính phủ điện tử mà nhiều cơ quan, đơn vị đang hướng tới.
Dịch vụ công trực tuyến là một trong những bước đi quan trọng hướng tới chính phủ điện tử mà nhiều cơ quan, đơn vị đang hướng tới.

Như vậy, khi xây dựng một cửa liên thông theo hướng hiện đại này sẽ có phần khác biệt so với hệ thống trước đây, nghĩa là thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hồ sơ sẽ được chuyển đi tự động, chứ không phải người làm xách hồ sơ chạy vòng vòng.

Theo đó, đến cuối năm 2016 đưa vào vận hành hệ thống một cửa điện tử hiện đại cấp huyện cho 8/8 huyện, với 8 lĩnh vực và đạt mức độ 3; đồng thời đưa vào vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cổng này sẽ thống nhất được đầu mối thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại một địa chỉ duy nhất (trước mắt là cấp huyện, sau này tích hợp các dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh và cấp xã).

Ông Võ Văn Phước cho biết, sau khi đã hoàn thiện, người dân đi đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của các sở, ban, ngành phù hợp, hoặc đăng ký qua cổng dịch vụ trực tuyến của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính.

Ông ví dụ: “Khi đó, người dân có thể đến một cửa tại UBND để thực hiện các thủ tục ví dụ như đăng ký kinh doanh thì các khâu liên quan khác như thuế, kho bạc cũng được gom lại đây hết.

Tại bộ phận một cửa sẽ chủ động liên thông với các đơn vị khác có liên quan để giải quyết và trả kết quả, người dân không phải đem hồ sơ đi chỗ khác nữa. Nếu vào trang dịch vụ công thì sẽ biết được là thủ tục thuộc sở, ban, ngành nào từ đó sẽ thực hiện dễ dàng”.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính là góp phần quan trọng xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Trong đó việc xây dựng các dịch vụ công, hệ thống một cửa liên thông hiện nay là bước đi rất quan trọng.

Không chỉ tạo điều kiện cho lãnh đạo theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính, mà còn công khai, minh bạch, tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch về thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, đặc biệt góp phần quan trọng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

Vĩnh Long có 60 cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đang vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu. Trong đó, 33 trang của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện đưa ra môi trường Internet. 100% các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện có cổng, trang thông tin điện tử cung cấp tương đối đầy đủ và kịp thời các thông tin về hoạt động của đơn vị, đặc biệt là các thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của đơn vị, của trung ương, của địa phương; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2, có 8 dịch vụ công đạt mức độ 3 và 28 dịch vụ đạt mức độ 4.

Bài, ảnh: TẤN ANH