Gel chữa lành vết thương làm từ máu bệnh nhân

09:01, 11/01/2017

Với kết quả thử nghiệm khả quan trong điều trị vết thương mãn tính, sản phẩm gel với các thành phần chiết xuất từ máu của chính bệnh nhân mang đến giải pháp mới giúp điều trị hiệu quả biến chứng lở loét do bệnh tiểu đường.

Với kết quả thử nghiệm khả quan trong điều trị vết thương mãn tính, sản phẩm gel với các thành phần chiết xuất từ máu của chính bệnh nhân mang đến giải pháp mới giúp điều trị hiệu quả biến chứng lở loét do bệnh tiểu đường.

Mẫu máu bệnh nhân được đưa vào máy ly tâm để chiết tách các thành phần làm nên loại gel mới. Ảnh: manhattan-dermatology.com
Mẫu máu bệnh nhân được đưa vào máy ly tâm để chiết tách các thành phần làm nên loại gel mới. Ảnh: manhattan-dermatology.com

Loại gel mới, được sản xuất bằng kỹ thuật huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), hoạt động theo cơ chế kích hoạt tính năng tự hồi phục vết thương ở người bệnh.

Trong nghiên cứu sơ bộ, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) phối hợp với công ty Biotherapy Services đã tiến hành thử nghiệm trên một nhóm bệnh nhân đang điều trị vết thương mãn tính bằng cách bôi gel trực tiếp lên vết thương.

Kết quả cho thấy, loại gel mới đã điều trị hiệu quả 9/10 vết thương không thể chữa lành trong gần 1 năm.

Theo bác sĩ Stella Vig của Bệnh viện Đại học Croydon, do loại gel mới được phân lập từ chính máu người bệnh nên có thể làm giảm nguy cơ dị ứng so với các phương pháp thông thường trong trường hợp phải điều trị thời gian dài.

Hiện NHS đang tiến hành thử nghiệm khác trên 66 bệnh nhân bị loét bàn chân do biến chứng tiểu đường nhằm kiểm chứng hiệu quả của loại gel mới. Kết quả dự kiến sẽ công bố sau 3 tháng.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Đại học Loyola Chicago (Mỹ) cho biết một thiết bị cầm tay dùng đo nồng độ ôxy trong da có thể giúp chẩn đoán nguy cơ vết thương bị biến chứng.

Qua nghiên cứu được tiến hành trên bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, các nhà khoa học phát hiện nồng độ ôxy xung quanh vết thương nếu ở mức thấp sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng sau phẫu thuật. Trái lại, tốc độ làm lành vết thương của người bệnh sẽ nhanh hơn khi nồng độ ôxy trong da hiện diện ở mức cao.

Vật liệu mới từ cây tre giúp chữa lành vết thương

Các nhà khoa học Ấn Độ vừa phát triển thành công một hợp chất mới làm từ sợi cellulose của cây tre và các hạt nano bạc có thể chữa lành những vết thương ngoài da một cách hiệu quả.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Công nghệ Tài nguyên sinh học Himalaya và Học viện nghiên cứu Khoa học và Sáng chế ở New Delhi cho biết, họ đã tổng hợp vật liệu gọi là nanocomposite bằng cách chèn các phân tử nano bạc vào phần khung làm bằng các tinh thể nano cellulose, được chiết tách từ 2 lá tre. Sau một đêm ủ với vi khuẩn gây nhiễm trùng, các nanocomposite đã cho thấy khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ. 

Cụ thể là vật liệu này đã ngăn vi khuẩn sinh sôi bằng cách tiết ra các phân tử nano bạc bám vào màng tế bào và dần dần phá hủy tế bào vi khuẩn.

 Khi thí nghiệm trên chuột, màng phim và cao dán được làm từ nanocomposite đã chữa lành hoàn toàn các vết thương trên da của chúng. 

Vật liệu này giúp giữ ẩm vùng da bị tổn thương và kích thích các enzyme hỗ trợ tái tạo tế bào da. Công bố trên Tạp chí Carbohydrate Polymers, nhóm nghiên cứu tin tưởng với đặc tính kháng khuẩn, vật liệu nanocomposite cũng có thể giúp tạo ra loại băng vết thương có tác dụng chữa lành hiệu quả trên người.

Theo Cần Thơ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh