Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa phương pháp thụ tinh ống nghiệm hướng tới việc cho sinh ra các trẻ nhỏ từ một cha và hai mẹ (gọi tắt là IVF) sau khi được Cơ quan quản lý nghiên cứu phôi thai và thụ thai ở người (HFEA) của Anh chấp thuận ngày 15/12.
Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa phương pháp thụ tinh ống nghiệm hướng tới việc cho sinh ra các trẻ nhỏ từ một cha và hai mẹ (gọi tắt là IVF) sau khi được Cơ quan quản lý nghiên cứu phôi thai và thụ thai ở người (HFEA) của Anh chấp thuận ngày 15/12.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Alamy) |
Phương pháp đặc biệt nói trên vốn được biết đến như một liệu pháp thay thế ti thể hay nói cách khác là dựa trên cơ sở loại bỏ và thay thế lượng nhỏ ADN bị lỗi trong trứng của người mẹ.
Trong quá trình này, phôi sẽ tiếp nhận ADN "nhân" thông thường của cặp cha mẹ, cũng như tiếp nhận một phần nhỏ ADN ty thể (mADN) khỏe mạnh do một phụ nữ hiến tặng, qua đó cho phép những phụ nữ gặp các vấn đề bất thường gây bệnh trong gen ty thể vẫn có thể sinh con mang gen di truyền nhưng không mắc bệnh ty thể.
Ty thể là bào quan phổ biến ở các tế bào nhân chuẩn có lớp màng kép và hệ gen riêng được truyền từ mẹ sang con qua đường trứng.
Một phụ nữ mắc bệnh ty thể thường có nguy cơ sinh con mang các vấn đề nguy hiểm ảnh hưởng tới tim, bệnh về gan, rối loạn chức năng não bộ, gây mù hoặc teo cơ. Hiện trên thế giới cứ 6.500 trẻ lại có một trẻ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Trước các ý kiến phản đối, lo ngại vấn đề về đạo đức do cho rằng IVF có thể là bước khởi đầu cho công nghệ chế tạo gen người và có thể dẫn đến việc cho ra đời các trẻ nhỏ mang những đặc tính mong muốn nào đó, HFEA nhấn mạnh phương pháp sẽ chỉ được phép áp dụng nhằm mục tiêu chính là giúp các gia đình có người mắc bệnh ty thể không thể điều trị được vẫn có cơ hội sinh con khỏe mạnh.
Trưởng Ban cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Mark Walport đã hoan nghênh quyết định nói trên của HFEA, nhấn mạnh điều này giúp Anh trở thành nước đi tiên phong trên thế giới áp dụng công nghệ y học tiên tiến này.
Giáo sư Dagan Wells đến từ Trung tâm nghiên cứu y sinh thuộc Đại học Oxford của Anh, nhận định việc hiến tặng ty thể sẽ mở ra cơ hội thực sự trong điều trị nhiều căn bệnh di truyền nguy hiểm, đồng thời mở ra hy vọng cho hàng trăm gia đình có người mắc bệnh này tại Anh.
Hồi tháng Hai năm nay, các nghị sỹ Anh cũng đã bỏ phiếu ủng hộ việc tạo ra trẻ sơ sinh theo phương pháp IVF với ADN từ người thứ 3.
Dự kiến, người phụ nữ đầu tiên có thể được tiếp nhận phương pháp này sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 4/2017 và trung tâm nghiên cứu ở thành phố Newcastle, miền Đông Bắc nước Anh, sẽ là nơi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp mới này./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin