Sử dụng quế trong quá trình chế biến thực phẩm không chỉ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn mang lại tác dụng làm mát dạ dày và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa – theo nghiên cứu mới do Tiến sĩ Jian Zhen Ou tại Đại học RMIT ở Melbourne (Úc) dẫn đầu.
Sử dụng quế trong quá trình chế biến thực phẩm không chỉ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn mang lại tác dụng làm mát dạ dày và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa – theo nghiên cứu mới do Tiến sĩ Jian Zhen Ou tại Đại học RMIT ở Melbourne (Úc) dẫn đầu.
Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học (Scientific Reports) của Mỹ, được tiến hành trên một đàn heo và là một phần trong nghiên cứu lớn hơn của RMIT về sức khỏe đường ruột.
Trong đó, các nhà khoa học sử dụng viên nang cảm biến khí có thể nuốt vô bụng để đo lượng khí tạo ra trong dạ dày heo do quá trình lên men thức ăn vốn có liên quan đến một số chứng rối loạn tiêu hóa như loét, khối u, các chứng viêm ruột và hội chứng ruột kích thích.
Kết quả cho thấy sức khỏe tổng thể của những con heo ăn thức ăn chứa quế đều cải thiện đáng kể, với nhiệt độ trong dạ dày của chúng thấp hơn tới 2oC so với những con heo ăn thức ăn thông thường.
Bên cạnh đó, nồng độ các-bon điôxít (CO2) trong ruột của những con heo được cho ăn thức ăn bổ sung quế chỉ tăng khoảng 13% trong 3-4 giờ sau khi ăn lần đầu (9 giờ sáng) và 6% sau khi ăn lần thứ hai (3 giờ chiều), trong khi ở đàn heo được cho ăn thức ăn không có quế, nồng độ CO2 nói trên tăng lần lượt tới 21% và 8%.
Giáo sư Kourosh Kalantar-zadeh, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích rằng nhiệt độ và lượng khí CO2 trong dạ dày những con heo được ăn quế giảm thấp có lẽ là do loại gia vị này đã kiềm chế mức độ tiết ra axít trong dạ dày cũng như enzym tiêu hóa pepsin trên thành dạ dày.
Kết hợp cùng nhau, những hiệu ứng này có thể giúp tăng cường lưu lượng máu xung quanh thành bao tử, giúp cải thiện tiêu hóa và sức khỏe đường ruột, qua đó phòng ngừa tổn thương đối với niêm mạc dạ dày, giảm viêm và nhiều bệnh khác về đường ruột.
Giáo sư Kourosh Kalantar-zadeh cho biết mặc dù chưa công bố kết quả thử nghiệm trên người, nhưng những phát hiện mới cho thấy quế – với đặc tính chống viêm, chống ôxy hóa và loại bỏ các gốc tự do có hại – cũng làm giảm nhiệt độ do quá trình tiêu hóa trong dạ dày người.
Theo tính toán của ông, dùng 1 gram quế mỗi ngày sẽ mang lại tác dụng tốt cho tiêu hóa, song ông cũng cảnh báo cơ thể chúng ta tốt nhất chỉ tiêu thụ tối đa 6 gram quế/ngày trong 6 tuần trở lại vì sử dụng liều lượng lớn hơn trong thời gian dài có thể hại nhiều hơn lợi.
Trong một phát hiện khác, các nhà khoa học Mỹ cho biết việc cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thu thực phẩm của cơ thể sẽ có lợi cho những người mắc bệnh gan mãn tính.
Về mặt kỹ thuật, gan là một phần trong hệ tiêu hóa của cơ thể, bắt đầu từ lúc thực phẩm được đưa vào miệng và kết thúc ở trực tràng.
Hệ tiêu hóa của chúng ta không hấp thụ thức ăn mà chỉ hấp thụ các chất dinh dưỡng và trong quá trình này, gan có nhiệm vụ chuyển hóa các thành phần trong thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và các khoáng chất) thành chất dinh dưỡng và loại bỏ các độc tố.
Do đó, khả năng cơ thể tiêu hóa thức ăn cũng trực tiếp tác động đến vai trò của gan trong quá trình tiêu hóa.
Ví dụ, một trong những nhiệm vụ của gan là sản xuất mật, thành phần giúp phân hủy chất béo để hỗ trợ tiêu hóa và bài tiết nó, nhưng nếu hệ tiêu hóa bị trục trặc thì gánh nặng phân giải chất béo ở gan sẽ gia tăng.
Các chuyên gia cho biết gan sẽ được hưởng lợi khi chức năng chuyển hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng của hệ tiêu hóa được cải thiện, đặc biệt là những người có bệnh gan mãn tính.
Ngoài ăn uống cân bằng dinh dưỡng, họ khuyến nghị bổ sung probiotic và các enzyme tiêu hóa vốn đã được chứng minh hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin