Các nhà khoa học Pháp vừa phát hiện ra virus Zika có thể tồn tại bên trong tinh trùng người nhiễm bệnh, điều này đặt ra vấn đề cấp thiết phải tăng cường quản lý nguồn hiến tặng tinh trùng.
Các nhà khoa học Pháp vừa phát hiện ra virus Zika có thể tồn tại bên trong tinh trùng người nhiễm bệnh, điều này đặt ra vấn đề cấp thiết phải tăng cường quản lý nguồn hiến tặng tinh trùng.
(Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: womenshealthmag.com) |
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học chuyên đề The Lancet Infectious Diseases, tiến sỹ Guillaume Martin-Blondel thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cùng các cộng sự đã khẳng định virus Zika tồn tại trong tinh dịch tới năm tháng, sau khi theo dõi một người đàn ông 32 tuổi từ Guyane trở về Pháp với những triệu chứng nhiễm Zika.
Virus Zika đã được tìm thấy trong máu và nước tiểu của người bệnh nói trên sau 37 ngày bị nhiễm. Nhưng trong tinh dịch, virus này còn có thể tồn tại lâu hơn nhiều, tới 141 ngày và thậm chí xuất hiện bên trong khoảng 3,5% số lượng tinh trùng.
Cũng theo tiến sỹ Guillaume Martin-Blondel, chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng nhiệt đới, virus Zika lại chỉ tồn tại từ 69-115 ngày trong tinh dịch của hai bệnh nhân khác. Nguyên nhân của sự khác biệt về thời gian này vẫn còn là ẩn số.
Các nhà khoa học Pháp cũng cảnh báo một nguy cơ mới. Đối với các virus lây truyền qua đường tình dục khác, ví dụ như HIV, virus chỉ "bám" vào bề mặt tinh trùng nên hoàn toàn có thể được "rửa sạch" khi thực hiện các ca thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, kỹ thuật này không áp dụng được với tinh trùng của người nhiễm Zika một khi virus có mặt ở bên trong tinh trùng.
Virus Zika lây sang người chủ yếu khi bị muỗi Aedes aegypti đốt và cũng có thể lây qua đường tình dục. Người nhiễm virus Zika có những triệu chứng phổ biến nhất là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Những triệu chứng này nhẹ hơn so với sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban.
Phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika có thể sinh ra con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Hiện chưa có vắcxin phòng chống virus Zika hay thuốc đặc trị./
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin