Không chạy theo số lượng, tương lai của Hải quân Mỹ sẽ phụ thuộc vào những vũ khí hiện đại như tiêm kích F-35 và khu trục hạm USS Zumwalt.
Không chạy theo số lượng, tương lai của Hải quân Mỹ sẽ phụ thuộc vào những vũ khí hiện đại như tiêm kích F-35 và khu trục hạm USS Zumwalt.
Tấm ảnh dưới đây chụp một chiếc tiêm kích F-35 Lighting phiên bản sử dụng trên các tàu sân bay do Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Robert “Champ” Guyette II lái, bay phía trên tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt khi con tàu này đi qua Vịnh Chesapeake hôm 17/10.
Chỉ với khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt và tiêm kích F-35C nhưng đó là tất cả những gì mà lực lượng Hải quân Mỹ cần để đảm bảo ưu thế vượt trội ở các vùng biển trong tương lai.
Sự lựa chọn của Batman
Mặc dù là con tàu khu trục “đồ sộ nhất” từ trước đến nay của Hải quân Mỹ nhưng với khả năng tàng hình siêu việt, con tàu này lại xuất hiện trên màn hình radar của đối phương như một chiếc thuyền đánh cá nhỏ.
Tàu USS Zumwalt được đóng tại xưởng đóng tàu Bath Iron Works và chuyển giao cho hải quân vào ngày 20/5/2016. Quá trình đóng tàu bắt đầu từ khoảng năm 2008 - 2009 và đến nay đã tiêu tốn khoảng 4,4 tỷ USD.
Từ tháng 12/2015, USS Zumwalt trải qua các đợt thử nghiệm thành công trên biển và sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược biển của Mỹ.
USS Zumwalt dài 186 m, phần rộng nhất khoảng 24,5 m, độ choán nước khoảng 15.000 tấn và vận tốc 56 km/giờ. Với cấu trúc thân đặc biệt cùng những góc cạnh vát nghiêng, tàu giảm bị phát hiện trên radar 50 lần so với các tàu khu trục hiện tại của Mỹ. Chính hình dạng có phần kỳ lạ giúp tàu chạy cực êm, hầu như không để lại đường rẽ nước và có thể ẩn thân trước các hệ thống theo dõi.
Về vũ khí, USS Zumwalt được trang bị 20 bệ phóng MK 57 VLS chứa 80 tên lửa hành trình Tomahawk, pháo 155 mm, súng phòng không MK110 57 mm… Ngoài ra, tàu còn có thể chở theo 1 - 2 trực thăng Sea Hawk và 3 máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.
Tàu khu trục USS Zumwalt. (Ảnh: AFP) |
Một đặc điểm chứng tỏ năng lực vượt trội của siêu chiến hạm mới là khả năng tự động hóa hoàn hảo cho phép vận hành với nhân sự chỉ khoảng 140 - 150 người, bằng một nửa so với các tàu khu trục cùng cỡ hiện nay.
Độc đáo hơn nữa là hệ thống điều khiển tự động cho phép tàu tự kích hoạt trạng thái chuẩn bị tham chiến như bật pháo lên, đưa tên lửa vào ống phóng hay khóa mục tiêu mà không cần bất cứ động tác nào từ các binh sĩ.
Nói về siêu khu trục hạm đắt tiền nhất thế giới, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Harry Harris thậm chí từng hóm hỉnh cho rằng, USS Zumwalt “là sự lựa chọn hàng đầu của Batman”.
Cả Zumwalt và F-35 có điểm chung quan trọng trong tầm nhìn tương lai của Hải quân Mỹ, đó là khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí. Với một sàn đáp lớn phía sau và một một động cơ điện ngoại cỡ, Zumwalt có thể mang theo những loại vũ khí của tương lai như súng laser, súng điện từ và cả máy bay chiến đấu F-35B phiên bản cất cánh ngắn.
Kẻ thống trị bầu trời F-35
F-35 có ba biến thể gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như chiến đấu cơ thông thường, F-35B cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, F-35C được triển khai trên các tàu sân bay.
Mọi phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình, đạt tốc độ siêu thanh và gắn camera hiện đại giúp phi công quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.
F-35 được coi là xương sống trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Washington nhờ cơ chế tránh radar tiên tiến. Đặc biệt, một trong những công nghệ giúp F-35 thống trị bầu trời và trở thành nỗi khiếp sợ đối với bất kỳ lực lượng quân đội nào chính là khả năng tiếp nhiên liệu trên không, giúp mở rộng tối đa phạm vi hoạt động.
Phiên bản F-35B là chiến đấu cơ đắt nhất trong ba mẫu F-35 mà Tập đoàn Lockheed Martin đang chế tạo theo bản hợp đồng ký với Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỗi chiếc F-35B có giá khoảng 134 triệu USD.
Điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt cho dòng F-35B đó là nó có thể cất cánh thẳng đứng. Động cơ LiftSystem, do Lockheed Martin sáng chế và được phát triển bởi Rolls-Royce, nằm dọc phía trước động cơ chính là bộ phận tạo ra lực nâng, cho phép máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng.
Tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng nhấn mạnh, khả năng xuất kích cũng như thực hiện nhiệm vụ từ các bãi đáp hay tàu sân bay trên biển của F-35B "sẽ thay đổi cách thức chúng ta chiến đấu và chiến thắng".
F-35 cũng có nhiều tùy chọn. Loại máy bay chiến đấu này có khoang súng có thể tháo rời, vũ khí được trang bị bên ngoài trên những giá treo dưới cánh hoặc trang bị ẩn bên trong khoang chứa ở thân máy bay.
Zumwalt và F-35 có thể làm được những điều mà trước đây cần đến sự tham gia của cả hạm đội và mất nhiều tháng lập kế hoạch để thực hiện. F-35 có thể chỉ điểm cho tàu khu trục Zumwalt khai hỏa tên lửa tấn công vào những địa điểm xác định. F-35 cũng có thể đóng vai trò chỉ huy các hạm đội máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ giám sát và tiêu diệt các mục tiêu.
Nếu như Hải quân Mỹ trong quá khứ luôn muốn xây dựng hình ảnh của một lực lượng đông đảo để thể hiện sức mạnh thì trong tương lai, với công nghệ tàng hình, mọi nhiệm vụ sẽ được hoàn thành chỉ với một vài chiếc tàu cùng máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình - khi hoạt động chỉ là những đốm sáng nhỏ trên màn hình radar đối phương.
Theo Hùng Cường(VOV.VN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin