Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng các vùng biển trên thế giới

03:09, 09/09/2016

Tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến "sức khỏe" đại dương trở nên kiệt quệ hơn bao giờ hết, gia tăng bệnh tật lây lan ở người và động vật, đe dọa an ninh lương thực trên khắp hành tinh – trích báo cáo mới được các nhà khoa học công bố tại Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ở Hawaii hôm 5/9.

Tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến “sức khỏe” đại dương trở nên kiệt quệ hơn bao giờ hết, gia tăng bệnh tật lây lan ở người và động vật, đe dọa an ninh lương thực trên khắp hành tinh – trích báo cáo mới được các nhà khoa học công bố tại Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ở Hawaii hôm 5/9.

Các nhà khoa học dự đoán tất cả các rạn san hô có thể bị tẩy trắng vào năm 2050. Ảnh: National Geographic
Các nhà khoa học dự đoán tất cả các rạn san hô có thể bị tẩy trắng vào năm 2050. Ảnh: National Geographic

Theo Giám đốc IUCN Inger Andersen, đại dương bao phủ gần 71% bề mặt Trái Đất. Do đó, biển khỏe mạnh đóng vai trò rất quan trọng duy trì sự sống của hành tinh. Tuy nhiên, báo cáo mới của IUCN cảnh báo “sức khỏe” đại dương đang ở mức nguy hiểm sau hàng chục năm gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Những phát hiện này dựa trên nghiên cứu đánh giá của 80 nhà khoa học đến từ 12 quốc gia. Đây cũng là nghiên cứu toàn diện về hệ quả của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với đại dương khi xem xét tất cả hệ sinh thái biển, bao gồm vùng biển sâu.

Theo báo cáo, môi trường biển đang bị tàn phá ở mức độ vô cùng nghiêm trọng mà con người đang chịu hậu quả trực tiếp với hệ lụy dễ nhận thấy là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Từ những năm 1970, các vùng biển trên thế giới đã hấp thụ 93% khí phát thải nhà kính.

Nếu tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn tiếp diễn, đại dương sẽ tiếp tục nóng thêm từ 1-4oC vào năm 2100. Nhưng hiện tại, sự ấm lên ở biển đang giết chết các rạn san hô với tốc độ chưa từng có, khiến nhiều loài cá bị sụt giảm. Theo dự đoán, đại dương ấm hơn sẽ tẩy trắng gần như tất cả rạn san hô trên thế giới vào năm 2050.

Giáo sư Dan Laffoley của IUCN cũng cho biết hiện tượng này đang thúc đẩy sự dịch chuyển của các sinh vật biển với tốc độ nhanh gấp 1,5 đến 5 lần so với sự di chuyển về cực Bắc của động vật trên cạn.

Hiện có nhiều tài liệu cho thấy loài sứa, chim biển và sinh vật phù du đang di chuyển về phía cực mát hơn. Tình trạng này có thể gây mất ổn định nguồn thủy sản trên thế giới.

Ước tính đến năm 2050, ngành đánh bắt cá ở Đông Nam Á có thể giảm tới 30% do các loài cá di chuyển đến những vùng nước mát mẻ hơn.

Nhiệt độ cao không chỉ thay đổi giới tính các loài sinh vật biển như rùa mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lây lan. Theo nghiên cứu, có nhiều bằng chứng cho thấy đại dương ấm lên làm gia tăng mầm bệnh trong quần thể thực vật, động vật và con người cũng không ngoại lệ.

Đáng kể nhất là tác nhân gây bệnh như vi khuẩn tả và thủy triều đỏ vốn sinh sôi ở vùng nước ấm có thể khiến người ta dễ mắc các bệnh thần kinh do ngộ độc thực phẩm khi ăn phải loài cá sống ở những rạn san hô có độc tố.

Phát hiện hạt ô nhiễm trong mô não người

Nhóm chuyên gia Đại học Lancaster (Anh) cho biết vừa tìm thấy sự hiện diện của các hạt ô nhiễm trong mẫu mô não người. Phát hiện này dấy lên quan ngại về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, đặc biệt liên quan chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (Alzheimer), bệnh tâm thần và giảm trí thông minh.

Đăng trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), Giáo sư Barbara Maher cho biết đã phân tích mẫu mô não của 37 đối tượng. Trong đó gồm 29 người độ tuổi 3-85.

Tất cả đều đã qua đời nhưng trước đó từng sống ở thành phố Mexico - một trong những đô thị bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tám người còn lại từng sống ở Manchester (Anh) có độ tuổi từ 62-92. Một vài người trong nhóm này cũng chết do bệnh thoái hóa thần kinh ở nhiều mức độ.

Sau phân tích, nhóm chuyên gia phát hiện có hàng triệu hạt magnetite hay phân tử nano ôxít sắt trên mỗi gram mô não đông khô. Giáo sư Maher cho biết họ còn quan sát thấy các hạt kim loại khác trong não như bạch kim, coban và niken.

Tuy nhiên, hạt magnetite là đặc biệt độc hại hơn cả bởi chúng có thể tạo ra phản ứng ôxy hóa làm tổn thương tế bào - một trong những dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Trong khi các hạt ô nhiễm lớn như bụi than sẽ được lọc ở mũi thì loại nhỏ hơn có thể xâm nhập vào phổi, thậm chí nhiều hạt nano có thể vào máu. Theo các chuyên gia, hạt magnetite với đường kính nhỏ hơn 200 nanomet (sợi tóc chúng ta dày ít nhất 50.000 nanomet) hoàn toàn đủ nhỏ để xuyên qua mũi và xâm nhập hệ thần kinh vùng vỏ não trước trán.

Nhóm nghiên cứu nói thêm, họ phát hiện các hạt magnetite trong não rất khác biệt với hình dạng rất tròn tương tự những giọt vật liệu nóng chảy do nhiệt chẳng hạn từ ống xả xe hơi, khu vực nhà máy điện hoặc bất cứ nơi nào đốt cháy nhiên liệu.

Theo Cần Thơ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh