Sau ba năm miệt mài nghiên cứu và chế tạo, kỹ sư Phan Tử Giang và cùng 16 cộng sự đã tạo ra "bước ngoặt" cho KHCN nước nhà khi thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam.
Sau ba năm miệt mài nghiên cứu và chế tạo, kỹ sư Phan Tử Giang và cùng 16 cộng sự đã tạo ra “bước ngoặt” cho KHCN nước nhà khi thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam.
Công trình đã được cơ quan đăng kiểm Mỹ (ABS) và đăng kiểm Việt Nam (VR) kiểm định. Qua việc thực hiện công trình, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thiết kế, đóng mới các giàn khoan dầu khí tự nâng.
Chế tạo giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam
Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đợt 5 đã chọn và đề nghị tặng giải thưởng cho 16 công trình/cụm công trình. Trong đó, có cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 mét nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của kỹ sư Phan Tử Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí - PV Shipyard) và 16 đồng tác giả.
Theo đó, giàn khoan Tam Đảo 03 là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn. Với chiều cao chân giàn 145m, Tam Đảo 03 có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển.
Dự án được thực hiện từ tháng 8/2009 đến 6/2012 với trị giá 180 triệu USD, công trình được đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc, có nhiều đột phá về công nghệ. Mặt khác, việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng đã tạo nên dòng sản phẩm công nghiệp mới của Việt Nam và giúp Công ty PV Shipyard hướng tới chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo như giàn khoan tự nâng 120m nước có khối lượng kết cấu, thiết bị gấp 1.5 lần hơn 18.000 tấn, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác của ngành dầu khí Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kỹ sư Phan Tử Giang cho biết: “Tuổi trung bình của đội thiết kế lúc đó là 28. Ban đầu, nhiều người không tin chúng tôi có thể làm được. Tuy nhiên, với kế hoạch được chuẩn bị kỹ, đúng hướng và trình độ kỹ sư đồng bộ, chúng tôi tin mình sẽ thành công”.
Tiếp tục chế tạo giàn khoan lớn nhất từ trước đến nay
Không chỉ tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, sản phẩm của công trình giàn khoan Tam đảo 3 còn được đưa vào hoạt động trước thời hạn 2 tháng, làm lợi trực tiếp cho đất nước 18,3 triệu USD. Trong quá trình thực hiện công trình, đơn vị chủ trì đã hình thành và phát triển được đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ sư thiết kế, giám sát và quản lý dự án có chuyên môn, kỹ thuật vững vàng đủ khả năng đảm trách được toàn bộ các công đoạn để chế tạo giàn khoan tự nâng thay thế chuyên gia nước ngoài cho các dự án tiếp theo.
Cụ thể, sau thành công của giàn khoan Tam Đảo 3, nhóm kỹ sư tiếp tục chế tạo giàn khoan tự nâng 120 mét nước (Tam Đảo 5) với trị giá 230 triệu USD. Dự án thực hiện từ tháng 12.2013 và mới bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2016.
Kỹ sư Giang cho biết: “Nếu như với Tam Đảo 3, dự án phải thuê 6 chuyên gia nước ngoài đứng đầu các phần thiết kế và 5 người phụ trách phân đoạn thiết kế (làm việc 43.000 giờ) thì đối với Tam Đảo 5, chúng tôi chỉ thuê 2 chuyên gia phụ trách trong 7-8 tháng (làm việc 11.000 giờ). Tam Đảo 5 là giàn khoan lớn nhất từ trước đến nay, có khối lượng gấp 1,5 lần, giá thành thấp hơn 20% so với Tam Đảo 3. Tỉ lệ nội địa hóa ở Tam Đảo 5 lên đến 39% (tương đương 76 triệu USD), còn Tam Đảo 3 là 34% (63 triệu USD)”.
Các chuyên gia đánh giá, sản phẩm của công trình đã được ứng dụng trong thăm dò, khai thác dầu khí, góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời có thể ứng dụng để phát triển sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng giữ vững chủ quyền tổ quốc trên lãnh hải Việt Nam.
Theo LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin