Phát hiện "Trái đất thứ hai"

04:08, 27/08/2016

Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ Châu Âu tại bán cầu Nam (ESO) chính thức xác nhận có một "Trái đất thứ 2" cực kỳ gần với Trái đất chúng ta. Các chuyên gia đã tìm thấy những bằng chứng cực kỳ rõ ràng về một hành tinh xoay xung quanh Proxima Centauri (Cận tinh). Hành tinh được đặt tên: Proxima b.

Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ Châu Âu tại bán cầu Nam (ESO) chính thức xác nhận có một “Trái đất thứ 2” cực kỳ gần với Trái đất chúng ta. Các chuyên gia đã tìm thấy những bằng chứng cực kỳ rõ ràng về một hành tinh xoay xung quanh Proxima Centauri (Cận tinh). Hành tinh được đặt tên: Proxima b.

Hành tinh quay quanh ngôi sao Proxima Centauri có nhiều đặc điểm giống Trái đất.Ảnh minh họa: NASA
Hành tinh quay quanh ngôi sao Proxima Centauri có nhiều đặc điểm giống Trái đất.Ảnh minh họa: NASA

Phát hiện Proxima b- hành tinh giống Trái đất quay quanh ngôi sao gần Mặt trời nhất, có thể là một cột mốc quan trọng trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ của các nhà thiên văn.

Proxima b xoay xung quanh ngôi sao của nó theo chu kỳ 11 ngày, và với khoảng cách “chuẩn” để có một nhiệt độ rất cân đối, đủ để duy trì nước dạng lỏng trên bề mặt.

Hành tinh này có khối lượng chỉ lớn hơn Trái đất một chút và là một exoplanet (hành tinh ngoài hệ Mặt trời) gần với chúng ta nhất. Đây thậm chí có khả năng là hành tinh duy nhất đủ khả năng duy trì sự sống mà có khoảng cách gần với Trái đất đến như vậy.

Theo ESO, Cận tinh Proxima Centauri là ngôi sao gần nhất với hệ Mặt trời, chỉ cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng.

Cận tinh nằm trong chòm sao Nhân mã và do là một ngôi sao lùn nên nó phát ra ánh sáng khá yếu. Hơn nữa Proxima Centauri nằm gần một ngôi sao lớn hơn là Alpha Centauri AB, vì thế gần như không thể quan sát bằng mắt thường.

Trong nửa đầu năm 2016, các chuyên gia tại ESO đã tích cực nghiên cứu Proxima Centauri dựa trên kính viễn vọng đặt ở La Silla (Chile).

Ngôi sao này nằm trong chiến dịch Pale Red Dot, khởi xướng bởi nhà thiên văn học Guillem Anglada-Escudé thuộc Đại học Queen Mary (Anh).

Mục tiêu của chiến dịch là nhằm để xác định chuyển động kỳ lạ của ánh sáng xung quanh Cận tinh- thứ được gây ra bởi trọng lực từ một hành tinh xoay quanh nó.

Những ngôi sao lùn đỏ như Proxima Centauri vốn có tính chất hoạt động khá bùng nổ, có thể mô phỏng lại sự hiện diện của một hành tinh, dù trên thực tế là không có. Chính vì thế để không... bị lừa, đội nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi độ sáng của ngôi sao này một cách rất cẩn thận.

Số liệu từ chiến dịch Pale Red Dot kết hợp cùng dữ liệu do các đài quan sát của ESO mang lại rốt cục đã cho ra một kết quả đáng kinh ngạc.

Họ nhận thấy, có một hành tinh với khối lượng ít nhất bằng 1,3 lần Trái đất, có quỹ đạo cách Cận tinh khoảng 7 triệu kí lô mét- tức chỉ bằng 5% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời.

Khoảng cách từ Proxima b đến Cận tinh thậm chí còn nhỏ hơn quãng đường từ sao Thủy đến Mặt trời. Nhưng do Proxima Centauri vốn có độ sáng mờ nhạt hơn rất nhiều nên Proxima b vẫn nằm trong vùng Goldilock - khoảng cách duy trì sự sống.

Tuy nhiên, bề mặt hành tinh có thể chịu ảnh hưởng rất mạnh của tia cực tím, mạnh hơn rất nhiều so với những gì Trái đất đang phải hứng chịu hiện nay.

Với khoảng cách 4,2 năm ánh sáng, các thế hệ tàu vũ trụ trong tương lai có thể mang robot thăm dò tới Proxima b. Đây cũng có thể là điểm đến mới cho những du khách từ Trái đất.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh