Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu tại Mỹ cho rằng giảm thịt trong bữa ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tiểu đường, đột quị và bệnh tim.
Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu tại Mỹ cho rằng giảm thịt trong bữa ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tiểu đường, đột quị và bệnh tim.
Ảnh: Daily Mail |
Trong lá thư gửi đến tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), Giáo sư Randall Stafford thuộc Trung tâm nghiên cứu ngăn ngừa bệnh thuộc Đại học Stanford cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn chủ yếu là rau củ "giúp loại bỏ hoặc giảm đáng kể mức độ tiêu thụ thịt".
Cụ thể, chế độ ăn toàn thực vật giúp giảm 29% nguy cơ mắc bệnh tim và 18% nguy cơ ung thư. Kiểu ăn uống này cũng giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, đột quị và cao huyết áp.
Không chỉ vậy, giảm tiêu thụ thịt còn có lợi cho môi trường, bởi quá trình sản xuất thịt tạo ra lượng khí nhà kính nhiều hơn so với việc trồng cây lương thực có cùng giá trị dinh dưỡng.
Theo Giáo sư Stafford, thứ duy nhất chế độ ăn chay thiếu là vitamin B12, có thể dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt, giảm trí nhớ, hạ huyết áp...
Để bổ sung dưỡng chất này cho cơ thể, người ăn chay chỉ cần dùng thêm 1 phần đậu hủ hoặc viên uống bổ sung.
Về nhu cầu chất đạm, ông cho biết một người trưởng thành mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ 2 chén đậu hoặc 2 chén sữa chua là đủ lượng đạm tương đương với 120g thịt hoặc cá.
Cũng liên quan đến việc tiêu thụ thịt, nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Thận Mỹ cảnh báo ăn nhiều thịt đỏ (như thịt heo, bò, cừu) sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thận mãn tính (CKD).
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore đã tìm hiểu mối liên hệ giữa các nguồn cung chất đạm chủ chốt từ chế độ ăn uống với chức năng thận.
Họ phân tích dữ liệu của hơn 63.200 người trưởng thành có khẩu phần thịt đỏ chứa đến 97% là thịt heo, còn lại là thịt gia cầm, cá hoặc động vật có vỏ, nhóm nghiên cứu phát hiện việc tiêu thụ thịt đỏ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.
Theo đó, người ăn thịt đỏ nhiều nhất có nguy cơ bị suy thận cao hơn 40% so với những người ăn thịt đỏ ít nhất.
Đặc biệt, thay một phần thịt đỏ bằng các nguồn cung chất đạm khác có thể giảm đến 62% nguy cơ suy thận.
Nghiên cứu không phát hiện mối liên quan giữa thịt gia cầm, cá, trứng hoặc các sản phẩm từ sữa với bệnh suy thận, trong khi đậu nành và các loại đậu dường như có tác dụng bảo vệ cơ quan lọc máu và thải độc cho cơ thể này.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Woon Puay Koh, thành viên nhóm nghiên cứu, bệnh nhân CKD nên loại thịt đỏ ra khỏi thực đơn và chuyển sang dùng đạm từ thực vật hoặc thịt gia cầm, cá hoặc động vật có vỏ.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin