Say smartphone, người Việt Nam ''giết'' thêm thời giờ?

09:06, 04/06/2016

Một dự báo được đưa ra mới đây, đến năm 2020 cứ 10 người Việt Nam sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ). Và, khi chiếc điện thoại thông minh (smartphone) tích hợp nhiều tính năng thì người Việt Nam sẽ dành nhiều thời gian cho nó.

 

Một dự báo được đưa ra mới đây, đến năm 2020 cứ 10 người Việt Nam sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ). Và, khi chiếc điện thoại thông minh (smartphone) tích hợp nhiều tính năng thì người Việt Nam sẽ dành nhiều thời gian cho nó.

Tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” hôm 2/6/2016, bà Tammy Phan- Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Việt Nam của Google Châu Á- Thái Bình Dương (Google APAC) đã nói rằng, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về ĐTDĐ.

Theo một thống kê của Google được bà Phan đưa ra cho thấy, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng ĐTDĐ. Riêng hiện tại, đã có hơn nửa dân số Việt Nam đang xài smartphone (từ các hãng công nghệ khác nhau).

Có thể thấy, Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 ngôi sao đang lên của làng công nghệ số thế giới bao gồm cả Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Philippines. Nếu như hiện tại, trên thế giới có khoảng 40% dân số có thể tiếp cận với Internet thường xuyên thì tại Việt Nam có tới 48% người dân sử dụng Internet.

Người Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận với Internet mà thậm chí còn có lượng truy cập vào các website nhiều đáng kể. Và hoạt động truy Internet của người Việt Nam càng ngày càng diễn ra chủ yếu thông qua smartphone. Bởi vậy, Việt Nam được đánh giá là nước có kết nối di động cao khi có tới 55% người Việt Nam sở hữu smartphone, trong khi đó, chỉ có 46% số người sở hữu máy tính cá nhân.

Trước đó, ngày 31/5, tại hội thảo “Reinventing Mobile Marketing in Vietnam” do Hiệp hội Tiếp thị di động (MMA) tổ chức, ông Nitin Gajria- Giám đốc Google Việt Nam đã công bố một số liệu cho thấy, trung bình, một người Việt Nam cầm điện thoại lên xem 150 lần mỗi ngày, tương đương hơn 10 lần mỗi giờ.

Theo thống kê mới của Google, việc người Việt Nam ngày càng ưa chuộng smartphone và truy cập Internet thường xuyên (thậm chí hàng ngày, hàng giờ) đã kéo theo sự tăng trưởng của một loạt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ qua mạng.

Trong đó, các hoạt động mua bán hàng online, trực tuyến qua mạng đang nở rộ và trở thành một xu hướng thịnh hành với người Việt Nam. Ngày càng có nhiều các shop, địa chỉ website kinh doanh online được ra đời, đáp ứng nhu cầu mua bán của người tiêu dùng Việt Nam và họ có thiên hướng tìm hiểu thông tin sản phẩm qua mạng trước khi quyết định chọn mua.

Thống kê đã cho thấy, trong 45 triệu người Việt Nam đã tiếp cận được với Internet có 70% người dùng sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng. 66% người dùng nghiên cứu khoảng một ngày trước khi đi xem trực tiếp và 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh online đang ngày càng tăng cao. Người Việt Nam đặc biệt thích truy cập Internet để xem video và lướt mạng xã hội Facebook. Theo thống kê của Facebook, có đến 30 triệu người Việt Nam lướt Facebook mỗi tháng và trung bình dùng 2,5 giờ mỗi ngày, gấp đôi thời gian xem tivi và hầu hết đều được thực hiện qua ĐTDĐ (số liệu thống kê trong năm 2015).

Theo một thống kê khác cũng do Google đưa ra hồi cuối năm 2015 cho thấy, chỉ trong 2 năm 2013- 2015, lượng thiết bị kết nối Internet tại Việt Nam đã tăng đến 75%. Trong đó, smartphone chiếm đến 55% lượt truy cập vào Internet, số còn lại dành cho tablet và máy tính xách tay.

Điều đáng nói hơn, người Việt Nam dùng Internet chủ yếu để phục vụ cho mục đích giải trí hơn là cho công việc. Có tới 54% người dùng Việt Nam truy cập Internet để xem video, 59% truy cập mạng xã hội, 43% nghe nhạc online, 56% tìm kiếm trên mạng. Trong khi đó, chỉ có 23% người dùng Việt Nam vào Internet để check email, 13% chỉ tìm kiếm bản đồ và chỉ dẫn đường.

Không thể phủ nhận việc người Việt dùng ĐTDĐ ngày càng nhiều sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Như theo dự báo mà bà Tammy Phan đưa ra, cứ tăng thêm 1% số người dùng ĐTDĐ sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD vào GDP năm 2020 và tạo thêm 140.000 việc làm mới.

Tuy nhiên, một câu hỏi cũng đặt ra rằng, liệu người Việt Nam có nhảm nhí khi smartphone được dùng nhiều cho mục đích xem video, lướt mạng xã hội... Chưa kể, những hệ lụy kéo theo về mắt, về sức khỏe đối với người sử dụng ĐTDĐ thường xuyên.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo Khoahoc.tv)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh