Khủng long suy giảm số lượng hàng chục triệu năm trước tuyệt chủng

12:04, 20/04/2016

Số lượng của loài khủng long trên Trái Đất vốn đã suy giảm từ hàng chục triệu năm trước khi xảy ra sự va chạm giữa một tiểu hành tinh và Trái Đất khiến chúng bị tuyệt chủng.

 

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: BBC)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: BBC)


Số lượng của loài khủng long trên Trái Đất vốn đã suy giảm từ hàng chục triệu năm trước khi xảy ra sự va chạm giữa một tiểu hành tinh và Trái Đất khiến chúng bị tuyệt chủng.

Đây là kết quả một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh được công bố ngày 18/4 trên tạp chí Những biên bản lưu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ.

Trước đây, một số nhà khoa học cho rằng loài khủng long đã phát triển mạnh cho tới khi bị tuyệt chủng sau cú va chạm giữa một tiểu hành tinh và Trái Đất xảy ra cách đây 66 triệu năm.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh phát hiện ra rằng nhiều loài khủng long đã bị tuyệt chủng với tốc độ nhanh hơn so với những loài khủng long xuất hiện 50 triệu năm trước cú va chạm nói trên.

Nghiên cứu cũng cho thấy trong khi số lượng loài khủng long khổng lồ có chân giống thằn lằn Sauropod suy giảm với tốc độ nhanh nhất thì loài khủng long chân thú, trong đó có khủng long bạo chúa, lại suy giảm với tốc độ chậm hơn.

Những nhân tố có thể ảnh hưởng tới sự suy giảm số lượng của các loài khủng long bao gồm sự nứt vỡ của những khu vực đất đai rộng lớn, hoạt động của các núi lửa và những nhân tố khác liên quan đến hệ sinh thái.

Theo ông Manabu Sakamoto - người đứng đầu nghiên cứu trên, đây là kết quả gây bất ngờ. Trong khi tác động của cú va chạm vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến loài khủng long biến mất hoàn toàn trên Trái Đất, rõ ràng trước đó chúng đã kết thúc thời kỳ phát triển mạnh nhất theo hướng tiến hóa. Điều này đặt ra giả thuyết rằng hàng chục triệu năm trước khi biến mất, khủng long đã không còn là loài vật có số lượng đông nhất trên Trái Đất.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh